Orpheus no mado - Khung cửa định mệnh
“Dù thời đại có thay
đổi đến đâu, thì người khóc bao giờ cũng là phụ nữ. Trên xác những người đàn
ông quyền lực sẵn sàng lao vào cuộc chiến tranh không mệt mỏi, mà biết bao
người phụ nữ, người mẹ, người vợ đã phải lặng lẽ tuôn những dòng lệ. Dù vị trí
có khác nhau, nhưng tôi vẫn hiểu nỗi đau của cô.”
Vừa qua mình mới đọc
lại Orpheus no mado, trong một dịp tình cờ thấy người bạn trên mạng cảm nhận về
bộ truyện này theo lời giới thiệu của mình. Người bạn ấy mình chỉ quen khi cùng
nhau thảo luận về một truyện yêu thích khác của mình: Princess - Công chúa xứ
hoa, nhưng cả hai đều mang tâm cảm chung, nên rất sôi nổi khi tranh luận.
Chần chừ suốt nhiều
tháng cô ấy mới chịu đọc, và thốt lên với mình rằng:”Tớ thật sự bị ám ảnh”.
Nhưng không như người bạn ấy mang nỗi ám ảnh day dứt, mà truyện của Riyoko
Ikeda với mình luôn là một phức cảm buồn bã, ngân vang mãi từ khi còn là cô bé
con 13 tuổi, cho đến bây giờ đã bước qua tuổi 22 với nhiều trải nghiệm cuộc
sống. Đây là 1 trong 2 bộ truyện mà mình sưu tầm đến 2 bộ, đóng gói kín 1 bộ để
dành như “đồ cổ”, và mong rằng có thể cho con mình lớn lên đọc. Nhiều người
buồn cười khi thấy mình lúc nào cũng bảo “để dành cho con”, nhưng với mình thì
khoảng cách thế hệ là thứ rất đáng sợ, mình muốn những đứa con thương yêu của
mình sau này cảm nhận được thời hoa niên của cha mẹ nó rực rỡ ra sao, sầu thảm
như thế nào, những tháng ngày đã trôi qua không bao giờ lấy lại được nên càng
phải trân quý. Mà khi đã lớn lên qua khỏi độ tuổi dễ biến những suy nghĩ thành
lời văn, bây giờ ngôn từ của mình cô đọng và thấm đẫm nỗi sợ hãi sẽ không bao
giờ đủ cho những suy tư đang chảy tràn trong tâm trí. Nên làm được gì thì hãy
làm bây giờ, tích góp hàng ngày thứ tài sản tinh thần vô giá…
Orpheus no mado (tên
tiếng Việt: Cửa sổ ước mơ hay Khung cửa định mệnh) là câu chuyện bi kịch về số
phận con người trong Cách mạng tháng 10 Nga và Chiến tranh thế giới thứ nhất.
Lấy chất liệu dã sử phức tạp, nên Orpheus không phải là câu chuyện ngôn tình
đẹp đẽ dành cho những thiếu nữ mơ mộng(dù trong truyện cũng có không ít những
chi tiết lãng mạn) chỉ đơn thuần kể về tình yêu, mà đó còn là những nỗi đau rải
rác trên thân phận con người bị cuốn vào vòng xoáy khắc nghiệt của chiến tranh,
của máu và nước mắt. Thế nên một khi đã đọc Orpheus, hãy chắc rằng bản thân có
thể chịu được những cảm xúc khắc nghiệt mà truyện mang đến, có thể thấu hiểu
được hành động của nhân vật dù nó rất khó chấp nhận nếu chỉ suy nghĩ một cách
đơn giản. Và chắc chắn Orpheus là bộ truyện không dành cho những người hời hợt.
Nhưng giá trị nhân
văn mà Orpheus chứa đựng nằm ở 7 phần của tảng băng trôi, đó là ở cuối con
đường, trong sâu thẳm bóng tối, tình yêu và tình người vẫn lấp lánh thiêng
liêng, con người luôn tìm cách vượt lên trên số phận, dù nó nghiệt ngã đến đâu.
Một trong những tuyên ngôn của Orpheus là câu nói này:” Mỗi con người đều vác
một thập giá trên vai, và dù phải gồng mình mang một gánh nặng như vậy suốt
cuộc đời, nhưng người ta vẫn sống được, bởi vì họ không đơn độc.”(mình đã dịch
lại cho trôi chảy hơn). Có lẽ vì vậy mà với mình, dù đọc qua rất nhiều bộ
truyện, thì đây vẫn là một bộ truyện không thể nào quên, một bộ truyện xếp tầng
rất nhiều ý nghĩa nhân sinh sâu sắc, dù thời gian sáng tác của nó gấp đôi cả
tuổi đời của mình, nhưng mỗi lần đọc là mỗi lần khám phá thêm nhiều ý nghĩa mới
mẻ, là mỗi lần thêm đồng cảm và tâm đắc.
Orpheus lấy bối cảnh
chiến tranh làm chủ đạo, tất cả nhân vật đều xoay quanh bối cảnh đó, hầu như
không có ai chính ai phụ, Riyoko Ikeda cũng nhìn các phe lịch sử với đôi mắt
khách quan, không hề ca ngợi nên nếu chỉ đề cập đến tình yêu mà bỏ quên các chi
tiết lịch sử sẽ là thiếu sót rất lớn. Nhưng để bàn về lịch sử lại là một câu
chuyện rất dài khác, nên kì này mình sẽ chỉ tạm cảm nhận về các nhân vật. Trong
vòng xoáy khắc nghiệt của bom đạn chiến tranh, trong ranh giới mong manh của sự
sống và cái chết, dằn vặt giữa quá khứ và hiện tại, chuẩn bị cho sự khai sinh
của một thời đại mới, con người trong Orpheus có nét chân thực và trưởng thành
theo thời gian rất hợp lý, không có ai hoàn hảo, cũng không có ai phản diện
hoàn toàn. Những mảng màu đa sắc trong đời thực như thế nào, thì nó cũng phản
chiếu trong các nhân vật như thế ấy. Vậy nên với mình, nếu Orpheus được xây
dựng thành tiểu thuyết hoặc phim ảnh, hẳn nó sẽ rất hay.
Phần 1 của Orpheus
mang hơi hướm của một câu chuyện tình yêu lãng mạn, mở màn bằng lời nói đầu của
tác giả: “Ở trường nhạc thánh Sebastian thành phố Regenburg nước Đức có một
khung cửa sổ cũ kĩ mang tên Orpheus. Truyền thuyết kể rằng bất cứ đôi trai gái
nào nhìn thấy nhau qua khung cửa ấy sẽ yêu nhau, nhưng trớ trêu thay tình yêu
ấy sẽ kết thúc bằng bi kịch, như chuyện tình của chàng Orpheus và nàng Eurydice
trong thần thoại Hy Lạp năm xưa.”
Julius, một cô gái
phải giả trai vào trường nhạc để học vì âm mưu chiếm đoạt tài sản của người mẹ
đã gặp hai chàng trai qua khung cửa ấy: Klaus và Isaac. Hai chàng trai với hai
tính cách đối lập nhau: một Klaus thông minh ngổ ngáo, phóng khoáng mạnh mẽ và
hoang dại như một trận cuồng phong, dễ dàng thu hút người khác bằng tài năng
violin và tính hay gây sự, cùng một cậu trai Isaac hiền lành, mẫu mực và có
phần cam chịu, nhưng là một thiên tài piano thực thụ. Hai chàng trai hội ngộ
nhau bằng một trận đánh lộn, và Julius đã nhảy ra can cho anh bạn Isaac hiền
lành của mình bằng một cú đấm vào Klaus. Sau đó họ trở thành bộ ba thân thiết
gắn bó nhau rất sâu đậm.
Một cô gái cá tính
mạnh, luôn tiềm tàng trái tim nổi loạn mà đa cảm như Julius hẳn nhiên sẽ bị
chinh phục bằng một tính cách dữ dội hơn của chàng Klaus. Nếu Klaus chỉ là một
chàng sinh viên bình thường thì hẳn câu chuyện sẽ êm ả hơn một chút, nhưng
Klaus lại mang thân phận một tình báo trẻ người Nga tên thật là Alexeij
Mihailovic, theo phe cách mạng của Lenin và hiện đang phải sống lưu vong ở Đức
để chờ ngày trở về cố hương tiếp tục sự nghiệp giải phóng của mình. Đức chỉ là
một điểm dừng chân không hứa hẹn và có thể thanh thản rời bỏ, nếu Klaus không
yêu Julius. Và Julius có thể đã thổ lộ với Klaus nếu cô không mang tội ngộ sát
bác sĩ Jan – kẻ luôn đe dọa mẹ con cô sẽ nói ra sự thật giấu giếm bấy lâu nay
nếu mẹ cô không trở thành tình nhân của hắn và chia cho hắn phân nửa số tài sản
mà sau khi cha mất Ju sẽ có được vào ngày cô tròn 18 tuổi. Một tội lỗi ám ảnh
cả cuộc đời của Julius, một bóng ma quá khứ đè nặng trong tâm tưởng âm ỉ suốt
cả câu chuyện khiến người đọc phải day dứt câu hỏi:” Liệu con người có thể được
tha thứ bởi Chúa trời cho tội lỗi của mình hay không?”.
Vâng, mọi chuyện đã
có thể nhẹ nhàng hơn nếu giữa họ không tồn tại tình yêu, nhưng cũng kì diệu
thay tình yêu lại là câu trả lời hợp lý cho mọi rắc rối trên cuộc đời. Hợp lý
cho việc Ju phóng ngựa đến kiệt sức đuổi theo Klaus trên chuyến tàu Muchen vượt
biên về Nga, cho việc Klaus đã bất chấp nguy hiểm nhảy xuống làn nước sông
Rhine mùa đông để gặp lại Ju, cho cô biết rằng anh đã biết cô là con gái, và
anh cũng yêu cô. Họ ở bên nhau một đêm trong hương mimosa bình yên quá đỗi, như
báo hiệu trước sự ly biệt đầy nước mắt.
-“Anh rất yêu nước Đức. Một xứ sở tuyệt vời, tiếng Violin, tiếng gió hát, tiếng lá reo giữa tiếng nước chảy tràn róc rách.
-Vậy thì anh đừng về Nga nữa.
-Thật tạ ơn Chúa biết mấy nếu anh có thể làm được điều đó, nhưng nước Nga lạnh giá ấy là tổ quốc của anh. Nơi đó, dưới làn tuyết buốt xương, anh trai của anh và biết bao người thân đã ngã xuống.
…
-Nếu anh đã biết em là con gái, thì xin hãy cho em theo anh với, dù anh ở nơi nào, dù anh là ai. Bởi nếu không thì em cũng phải giết anh vì bí mật này không thể nào bại lộ.”
-“Anh rất yêu nước Đức. Một xứ sở tuyệt vời, tiếng Violin, tiếng gió hát, tiếng lá reo giữa tiếng nước chảy tràn róc rách.
-Vậy thì anh đừng về Nga nữa.
-Thật tạ ơn Chúa biết mấy nếu anh có thể làm được điều đó, nhưng nước Nga lạnh giá ấy là tổ quốc của anh. Nơi đó, dưới làn tuyết buốt xương, anh trai của anh và biết bao người thân đã ngã xuống.
…
-Nếu anh đã biết em là con gái, thì xin hãy cho em theo anh với, dù anh ở nơi nào, dù anh là ai. Bởi nếu không thì em cũng phải giết anh vì bí mật này không thể nào bại lộ.”
Và cũng hợp lý cho
việc Klaus đánh thuốc mê và quyết định rời bỏ Ju trong đêm vì anh cho rằng:”
Chính vì em là con gái, nên anh càng không thể dẫn em về nước Nga lạnh giá đầy
rẫy hiểm nguy ấy được. Em có thể yêu một trọng phạm của Nga Hoàng như Alexeij
Mihailovic, nhưng em không thể yêu cả một lý tưởng đâu.” Tình yêu cá nhân bị đè
nén bởi lý trí của một tình yêu to lớn hơn: tình yêu Tổ Quốc. Một tổ quốc đang
lâm nguy trong cơn chuyển mình đầy bão táp của lịch sử, hẳn nhiên sẽ cuốn theo
nó nhiều bi kịch, mà đã yêu không ai muốn người mình yêu gánh chịu bi kịch.
Hai năm qua đi lặng
lẽ, Julius đã có thể quên đi Klaus và tiếp tục phần đời còn lại của mình, nếu
những âm mưu trong bóng tối không dần lộ ra: sự xảo trá, tham lam và ích kỉ,
mưu đồ chính trị cùng những tham vọng tài sản đã khiến từng người thân của cô
lần lượt ra đi, đã đẩy Julius vào một tình thế bắt buộc: phải lưu vong sang Nga
nếu muốn sống sót. Trên nước Nga rộng lớn và lạnh lẽo, chỉ còn Klaus là cứu
cánh cho đời cô.
Lý do khiến mình
thích Julius và Klaus nhất truyện, vì mình luôn thích những người bản lĩnh dám
định đoạt cho cuộc sống của mình mà không phải phụ thuộc vào hai chữ “duyên
số”. Một Julius dữ dội, cá tính và nổi loạn, nhưng cũng đầy nữ tính với khao
khát được sống trọn vẹn với người mình yêu. ”Nếu truyền thuyết về khung cửa
Orpheus là có thật, thì mình nguyện sẽ là Eurydice để được ở bên chàng”. Một cô
gái bất chấp nguy hiểm vượt biên qua Nga để tìm người mình yêu hẳn không thể
nào yêu ai khác ngoài một chàng trai mang trong mình chất hào sảng, hoài bão to
lớn, sống phóng khoáng và cống hiến hết mình. Nhưng bi kịch cũng luôn tồn tại ở
chỗ: người phụ nữ có thể sống bằng tình yêu,cháy hết mình trong tình yêu, nhưng
người đàn ông lại chia trái tim mình ra nhiều mảnh nhỏ, trong đó, lý tưởng và
sự nghiệp chiếm một phần quan trọng. Vì thế, mà thêm một lần nữa Klaus đành
phải để lại Julius sau khoảnh khắc hội ngộ ngắn ngủi của họ trên thủ đô bão táp
này. Để rồi lần gặp gỡ thứ 3 của họ sau 6 năm lưu lạc, lần mà họ chọn ở lại bên
nhau mãi mãi cũng không còn trọn vẹn khi Julius đã mất trí nhớ sau nhiều biến
cố thăng trầm.
Nhưng điều khiến mình
khâm phục Klaus, là giữa vòng xoáy của lịch sử khắc nghiệt, trong máu lửa chiến
tranh, nơi người ta sống hôm nay mà không dám nghĩ về ngày mai, Klaus đã trưởng
thành đầy mạnh mẽ và sâu sắc, để ý thức được một điều:” Vì cách mạng mà phải
phá hủy hạnh phúc trong tình cảm là điều hết sức ngu ngốc và ảo tưởng. Cuộc đời
ta không chỉ toàn chiến đấu và hy sinh, mà chính tình yêu sẽ giúp chúng ta ngày
càng can trường gang thép hơn. Anh thề rằng mình sẽ không quên, những đồng đội
đã ngã xuống để gửi gắm niềm hy vọng vào anh. Và ngày hôm nay, Garina đã đánh
đổi sinh mạng của mình để cứu em. Anh muốn em hiểu rằng chúng ta đã được sống
sót nhờ vào lòng yêu thương vô hạn. Những người còn sống phải sống hết mình.
Trước tình yêu bao la ấy thì có gì phải ngại ngần nữa? Không phải chỉ toàn nỗi
đau, mà chúng ta sẽ uống cạn hết niềm vui của cuộc sống này. Dù khoảnh khắc còn
lại bên nhau của hai ta có ngắn ngủi, hãy làm cho nó ngưng đọng lại và bùng
cháy lên…”.
Nếu có thể dùng thơ
để miêu tả Klaus - Alexeij Mihailovic, mình chỉ có thể nghĩ đến 2 câu này:”
Điều khó nhất trên đời là làm một trang nam tử/ Ý chí vững vàng mà tình cảm lại
mênh mang”.
Yêu Julius thì nhiều người, nào chàng trai Isaac hiền lành tốt bụng, nào một Leonic quân nhân hoàng gia kiêu bạc vững chãi, nhưng chỉ Klaus – Alexeij cho Ju thấy được những thứ lớn lao như lòng ái quốc, sự hy sinh, tình đồng chí, trách nhiệm vượt hạnh phúc cá nhân, vượt cả mạng sống mình, nhưng ẩn sau sự phong trần liều lĩnh ấy, lại là một trái tim yêu dịu dàng nóng hổi. Và cũng chính cô gái mạnh mẽ, đầy nghị lực và yêu hết mình, cam chịu mọi đau khổ để ở bên người mình yêu, chấp nhận học hỏi và yêu cả lý tưởng của người yêu, mới có thể khiến Alexeij thương nhớ cả cuộc đời, dù tình yêu của họ bị đặt vào hoàn cảnh quá khắc nghiệt, khi một cô gái người Đức lại cưới chàng tình báo người Nga, giữa lúc chiến tranh Nga - Nhật nổ ra và lòng dân ngu muội như con thuyền chao đảo trong sương mù và sóng cả.
“Thật đáng thương Julius. Cuối cùng thì nước Nga của anh sẽ đánh nhau với nước Đức của em. Chỉ vì muốn sống bên anh, mà em đã phải vứt bỏ cả tổ quốc mình đi sao?”
Yêu Julius thì nhiều người, nào chàng trai Isaac hiền lành tốt bụng, nào một Leonic quân nhân hoàng gia kiêu bạc vững chãi, nhưng chỉ Klaus – Alexeij cho Ju thấy được những thứ lớn lao như lòng ái quốc, sự hy sinh, tình đồng chí, trách nhiệm vượt hạnh phúc cá nhân, vượt cả mạng sống mình, nhưng ẩn sau sự phong trần liều lĩnh ấy, lại là một trái tim yêu dịu dàng nóng hổi. Và cũng chính cô gái mạnh mẽ, đầy nghị lực và yêu hết mình, cam chịu mọi đau khổ để ở bên người mình yêu, chấp nhận học hỏi và yêu cả lý tưởng của người yêu, mới có thể khiến Alexeij thương nhớ cả cuộc đời, dù tình yêu của họ bị đặt vào hoàn cảnh quá khắc nghiệt, khi một cô gái người Đức lại cưới chàng tình báo người Nga, giữa lúc chiến tranh Nga - Nhật nổ ra và lòng dân ngu muội như con thuyền chao đảo trong sương mù và sóng cả.
“Thật đáng thương Julius. Cuối cùng thì nước Nga của anh sẽ đánh nhau với nước Đức của em. Chỉ vì muốn sống bên anh, mà em đã phải vứt bỏ cả tổ quốc mình đi sao?”
Mình và cô bạn đã
tranh luận nhiều về cặp đôi này, khi cô ấy cho rằng Ju ở bên Leonic – chàng
quân nhân của hoàng gia Nga đôi khi sẽ bình yên hơn khi được bao bọc bởi sự
điềm tĩnh và chững chạc đó, chứ không phải một Alexeij dũng cảm nhưng bạt mạng,
hai cực trái dấu mới hút nhau và hợp nhau. Còn mình thì lại cho rằng, một tình
yêu đích thực không có chân lý cho sự giải bày rập khuôn, bởi có những thứ tình
nếu thiếu đi xúc cảm sẽ không thể trở thành tình yêu. Nếu Ju chọn cách ở bên
chàng trai nhu mì an phận Isaac, hay một người đàn ông từng trải như Leonic,
hẳn cô ấy sẽ bình yên, nhưng là sự bình yên bề ngoài che đậy một nội tâm đầy
xáo động và héo úa. Đó không phải là Julius nữa. Nếu Klaus chọn lấy Anastania
hay Alraune - hai người đồng chí thân thiết, thì đó không còn là Klaus nữa.
Người ta không thể ở bên nhau chỉ vì hợp nhau, mà phải có sự dung hòa giữa hai
thứ: cảm xúc và sự hòa hợp. Có thể tình yêu đó sẽ không kéo dài mãi mãi, có thể
nó chỉ cháy lên trong khoảnh khắc ngắn ngủi rồi trở thành tàn tro, nhưng nó sẽ
mang đúng nghĩa của danh từ cao đẹp đó, hơn là sự méo mó vì suy nghĩ ích kỉ và
nhút nhát của con người. Trưởng thành theo thời gian, họ sẽ tự điều chỉnh để
hòa hợp với nhau, để ở bên nhau, nếu tình yêu của họ đủ mạnh mẽ và sâu sắc. Như
một Julius nóng tính và nổi loạn, đa sầu đa cảm năm xưa đã dần trở thành người
phụ nữ dịu dàng, một hậu phương vững chắc cho Alexei, cũng như một Klaus bốc
đồng, ngổ ngáo ngày xưa đã trở nên điềm tĩnh, trách nhiệm và bản lĩnh hơn để
bảo bọc che chở cho vợ con, dù cuối cùng kết cục của anh là phải hy sinh ngay
trước mắt vợ. Chẳng có tình yêu nào mãi mãi trường tồn hay bình yên nếu họ
không cố gắng để yêu nhau, để vì nhau.
“Chỉ vì gặp anh, mà em đã phải đau khổ. Lúc mới gặp em, anh không bao giờ tưởng tượng được sẽ ở bên em như thế này. Lúc đó em đã mặc đồ con trai và hạ gục anh. Những năm tháng trải qua ở trường thánh Sebastian là những ngày hơi thở bình an dịu dàng, đó là những năm tháng tươi đẹp không thể nào quên.”
"Hãy cảm ơn khung cửa Orpheus, vì sau bao nhiêu ly biệt, em lại nằm trong vòng tay anh như thế này".
“Chỉ vì gặp anh, mà em đã phải đau khổ. Lúc mới gặp em, anh không bao giờ tưởng tượng được sẽ ở bên em như thế này. Lúc đó em đã mặc đồ con trai và hạ gục anh. Những năm tháng trải qua ở trường thánh Sebastian là những ngày hơi thở bình an dịu dàng, đó là những năm tháng tươi đẹp không thể nào quên.”
"Hãy cảm ơn khung cửa Orpheus, vì sau bao nhiêu ly biệt, em lại nằm trong vòng tay anh như thế này".
Giữa vòng xoáy khắc
nghiệt của chiến tranh và loạn lạc, họ đã không tìm cách chiếm giữ nhau như cặp
đôi Mihai và Atonia để rồi nhận lấy bi kịch mâu thuẫn giữa lý tưởng cách mạng
và tình yêu, hay trách móc vì sao ta lại gặp nhau trong cuộc đời, mà họ cảm ơn
nhau vì được ở bên nhau, vì đã gặp được nhau như truyền thuyết chàng Orpheus
với cây đàn ngà voi gảy lên khúc nhạc bi ai cổ xưa tìm nàng Eurydice xinh đẹp
của mình.
Alexeij Mihailovic -
sgười chiến sĩ Bolsevic anh dũng đã tắm một loạt đạn như tổ ong và chìm xuống
dòng nước buốt lạnh sông Volga. Người ta nói rằng anh ấy có người vợ đang mang
thai, là một cô gái người Đức tóc vàng...
“Chỉ để chuẩn bị cho giờ
phút bi kịch này, mà người đã để chúng tôi phải chia ly rồi gặp lại biết bao
lần, phải không cửa sổ Orpheus? Julius, người vợ đáng thương của anh, xin em
hãy tha thứ cho tình yêu yếu đuối của anh, đã không thể chiến thắng được lời
nguyền cửa sổ Orpheus!”
-----------
-----------
Song hành cùng câu
chuyện tình yêu của Alexei và Julius, là câu chuyện đời của chàng nghệ sĩ Isaac
năm xưa. Từ bỏ tình yêu đơn phương thời niên thiếu với Julius, Isaac trải qua
vài người phụ nữ để rồi lấy phải cô vợ làm gái bán hoa chỉ vì lòng thương hại.
Những khác biệt về giai cấp, về hoàn cảnh sống đã tạo nên bi kịch của hôn nhân,
của đời nghệ sĩ. Thoạt đọc qua, có lẽ người ta sẽ liên tưởng đến ngay kiệt tác
Trà hoa nữ của Alexander Dumas, nhưng nếu đọc kĩ sẽ thấy thực tế phũ phàng hơn
trong những mối tình đi qua đời Isaac, luôn có một khoảng trống im lặng dành
cho nhớ thương quá khứ và những đứt gãy đầy sầu muộn của thăng trầm của đời
người.
Đó không chỉ là câu
chuyện tình, mà còn là chuyện đời, khi mà “Cơm áo không đùa với khách thơ”,
người đàn ông phải chọn một người phụ nữ như thế nào để khiến anh ta ngày càng
thăng tiến trong sự nghiệp, hay sẽ lụn bại đi bởi sự ngu muội của lòng dạ đàn
bà.
Và khung cửa sổ Orpheus già nua vẫn ở đó, chứng kiến gặp gỡ và ly biệt,
vẫn tiếp tục gieo rắc tình yêu cho biết bao con người. Như đau khổ nối tiếp
hạnh phúc, mọi dòng sông cứ trôi về biển cả. Trên nền đỏ thắm của hoa hồng rơi
trong gió, mặc cho khúc bi ca vang mãi của chàng Orpheus năm xưa, người ta vẫn
bất chấp lời nguyền khắc nghiệt, để lao vào nhau...
Nhận xét