Mùa Noel đó



“Đêm nay Người xuống đời…”

Có khi phải đi đến cái dốc của cuộc đời, người ta mới thấm thía nét đông buồn mênh mang và nụ cười thầm duyên dáng, ý vị của đông mang ý nghĩa thế nào. Nụ cười ấy, giống như một cơn gió mềm thoảng qua làm rụng rơi đôi chiếc lá khô chạm khẽ bờ vai, có người thấy lòng hình như cũng đang rơi, tiếng rơi nghiêng nghe nhẹ và âm thầm như một hơi thở. Cũng có người nghe lòng lắng lại, nhặt lấy chiếc lá mùa đông và mơ về một làn tóc thu, một cái chạm khẽ của những ngón tay búp măng, cái tình dâng lên cứ thế tràn đầy, tràn đầy…

Bước vào đông Sài Gòn, người ta không tính được chính xác thời gian mà đông gõ cửa, bởi trời đang se lạnh đó, mà vừa tức thì lại đổ từng vũng nắng chang chang trên mái đầu, tràn lan mặt đường, hơi thở hầm hập màu đỏ tía làn da, hứng không kịp, chỉ biết chạy trốn. Cũng có khi qua một đêm bình yên, tiết trời ấm áp, đứt đoạn giấc ngủ mà dậy sớm, mơ màng với tay mở cửa sổ thì đón ngay một làn rung thật mềm ùa vào khắp phòng, cảm giác mát rượi làn da, hấp hây mái tóc không gì thi vị cho bằng. Nếu nhà có sân thượng, đi từng bước khoan thai lên những bấc thang và đứng ở tầng cao nhất của ngôi nhà, với tay chạm đến làn gió mà tưởng chừng đang chạm khẽ bầu trời đang cuộn trong màn sương mỏng kia mà đem xuống. 

“Phố núi cao, phố núi đầy sương/ Phố núi cây xanh/Trời thấp thật gần…”
Nét gần gũi của bầu trời mùa đông không chỉ có thể cảm nhận bằng nỗi nhớ phố núi, nhớ cây xanh vời vợi, mà đôi khi trời Sài Gòn cũng hiền hòa bao dung, đem về rót đầy cho ta những hình dung thân thuộc, luyến ái qua lát cắt thành phố lẻ loi, ngỡ ngàng. 

Nhưng mùa đông Sài Gòn thường được đánh đồng với ngày lễ Giáng sinh tháng 12, tức là chỉ khi bước vào 12, người ta mới tính là mùa đông. Như thế cũng hay, bởi nhân loại được dịp thưởng thức tiết đông bằng tâm tình ngày lễ, lòng người vì vậy mà dịu dàng lại, đằm thắm thêm.

Làm sao không hiền hòa cho được, khi cứ đến cận lễ, lại nghe thánh thót những điệu nhạc êm đềm, chan chứa tình yêu thương cuộc sống vang lên:” Đêm nay Người xuống đời/Xin đem niềm vui tới/Những đôi môi cằn cỗi lâu không cười…”. Có là đá, là sỏi vương vất bên vệ đường, dạt xa cuộc sống bao năm, xin cũng một phút thổn thức trái tim. Con đường đến bờ gần mà xa, nhưng lênh đênh mãi trên dòng sông biết đời sẽ trôi dạt về đâu?

Giáng sinh ở Sài Gòn có phần nhộn nhịp, nhất là khi lang thang qua những xóm đạo. Không Noel nào tôi lại không về qua xóm đạo, dù chỉ để lắng lòng nghe một tiếng chuông ngân. Ngày xưa, khi còn nhỏ xíu, còn tập tễnh dâng hoa ở nhà thờ, xúng xính với chiếc váy voan trắng tinh, vòng hoa hồng điệu đà trên đầu, tôi mê mẩn những ngày lễ như một đứa bé mê cây kem trong tay. Hình ảnh vị linh mục mặc lễ phục màu đỏ sáng chói, ánh đèn vàng lấp lánh sáng choang cả khu nhà thờ và những xóm lân cận, khuôn mặt tươi roi rói của mọi người và những cây pháo nổ lép bép ra muôn ngàn tia sáng trên tay là hình ảnh tươi đẹp, có phần phù phiếm như trí óc trẻ thơ. Cứ đến trước ngày lễ ba tuần, tôi lại thấy những vị cha, chú ở mỗi nhà ôm trong tay về một cuộn giấy bạc to, bó tre dài cỡ một mét và những cuộn dây đèn, đó là khi tôi biết họ sắp làm hang đá. Lòng khấp khởi lắm. Rồi những hang đá cũng hoàn thành, nhỏ có, to có, hoành tráng như một căn nhà gỗ xếp đầy đá xung quanh, bên trong Hài nhi ngự trị ở một chiếc nôi nhỏ bé, xinh xắn, lấp lánh đèn. Hay giản dị như một bó rơm chất ngộn quanh nơi Hài nhi nằm, chiếc đèn dâu thỉnh thoáng ánh lên vài tia chớp dễ thương, như nụ cười thiên thần của sinh linh trong nôi. Quang cảnh giáng sinh tuy đạm bạc, nhưng không chút nào là nghèo nàn, thiếu thốn, khó khăn trong lạnh giá như lời Kinh Thánh truyền. Lúc ấy, tôi vững tin rằng đó là nơi Chúa sinh ra thực, phải là một cái hang nhỏ, phải là những chú cừu con nằm rải rác xung quanh đón em bé chào đời, phải là đèn, hoa, thông xanh và tuyết trắng phủ đầy trên đầu Người, mới là hang đá, mới là Giáng sinh. Vì thế, những năm đi qua xóm đạo mà thấy người ta ít trang hoàng cho Noel, là lòng tôi buồn lắt lay như bị ai hứa lèo một điều mình trông ngóng rất lâu.

Nhưng giờ thì lớn, hay ít ra cũng không còn ý thích những gì lấp lánh, sáng rỡ nữa(thế mà hồi nhỏ chuyên môn chọn mấy bộ đồ tối thui đi Noel), tôi lại thấy trong mùa Giáng sinh những ý nghĩa khác, khoảnh khắc đẹp khác. Có thể tôi sẽ buồn khi thấy thưa thớt dần những hang đá đẹp đẽ khi về lại xóm đạo xưa, thấy buồn tiếc khi không còn dịp ra dâng hoa, hòa chung vào tiếng đàn hát réo rắt, ngửi hoa bay lất phất mùi thơm thảo. Nhưng tôi vui hơn khi đến ngày lễ, trông đợi một buổi lễ ấm áp trong tiếng chuông thánh thót nhà thờ, chọn cho mình một góc nhỏ nhoi trong nhà Chúa và nguyện cầu những điều tốt lành. Tôi thấy mình bớt nghèo nàn khi thấy người ta xếp hàng xưng tội sao mà nhiều quá, dài dằng dặc từng dãy người, mặt mũi hiền lành có, mà tóc vàng xanh đỏ cũng có. Niềm tin, sự hối cải và đức mến đã giúp họ quay lại, về đây cúi đầu. Tôi cứ tin như vậy mà thấy lòng vui hơn. Bớt đi mấy hang đá, nhưng người ta chịu khó ngồi lắng nghe một bàn Thánh ca, ngồi ăn một bữa cơm chung với gia đình, chắc sẽ không có gì mất mát. Ngày hôm qua, khi đi lễ giữa trời trưa chang chang nắng, Cha nói Noel này mình về giáo xứ ở tận vùng quê xa xôi miền núi buồn hiu hắt, không đèn điện, không tiếng hát, nghèo cả vật chất lẫn tinh thần mà dâng lễ:” Sài Gòn phồn hoa, rực rỡ không dành cho con, mà Chúa gọi mời con đem Tin mừng đến nơi nghèo khó, nơi cần những tiếng hát cất lên từ đôi môi cằn cỗi lâu ngày….”. Nghe trong nước mắt. Và dần dần, niềm tin trong tôi thay đổi, tôi vẫn tin có một hài nhi sinh ra để cứu đời, nhưng không phải trong hang đá, máng có hang lừa rụng trắng hoa tuyết, mà trong chính nụ cười giản dị của Cha, trong buổi trở về của đứa con hoang đàng, trong sự dằn vặt, đấu tranh của người đàn ông sống nửa đời với rượu, nay quyết tâm không chạm đến môi dù chỉ một giọt. Trong ánh mắt những em bé vời vợi chờ mong một món quà, một ánh nến thắp đến cho em trong bóng tối nghèo đói của cuộc đời. Và có thể, trong cả khi tôi khoanh tay xin lỗi mẹ vì một việc làm sai trái, em tôi bỏ ngủ trưa để đi lễ Lòng Thương Xót. Vẫn còn đó những tâm hồn trở về…

Ký ức có những mảng cỏ xanh thơm mát mùi nội cỏ đẫm sương, có những chiếc vòng hoa xinh xắn đặt lên đầu, có những ngày lang thang khắp xóm đạo tìm hang đá, tìm ánh đèn, tìm mùi tượng thạch cao thơm tho, nồng nồng, mùi hang đá khen khét giấy xi măng… Nhưng người-tôi rồi cũng phải lớn lên, tháng 12 không về từ bên ngoài, từ dòng chảy phố hội nữa. Tháng 12 chảy vào trong tôi tuổi thơ bình an, tiếng chuông đêm ngân vang, những nỗi nhớ người, nhớ nhà, và những ánh mắt thui thủi bên góc đường trói lấy tâm hồn. Giáng sinh đến rồi ngoảnh lại sẽ tới Phục sinh, vòng chảy thời gian cứ thế miên man bất tận, như đời người ngắn ngủi, giản đơn…

Trở về đi tôi! Đứa con hoang đàng. Em không nghe Mẹ gọi đó sao?
Bài đoạt giải I (do ban giám khảo bình chọn) cuộc thi Viết về mùa đông của Blogger Viết.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến