Buông đời bên cỏ

Buông đời bên cỏ…

Đôi lần ngồi ở ghế đá nhà thờ, tôi buông thõng mình, không nghe giảng, không đọc kinh, cứ nhìn bơ vơ cây cỏ dưới chân mình, coi chúng đã vượt đất được bao nhiêu so với lần trước mình thấy, tự dưng tôi thấy đời vô nghĩa, thấy buồn thôi thiết, chỉ muốn nằm đây, ngay tại nơi này, không tiến lên cũng không ngoái lại, như thể tôi đã hóa đá giữa ngọn gió cứ vô tình ròng chảy….

Cũng kì, sao tôi lại thấy buồn giữa một nơi tràn ngập bình an như thế này, nơi mà người ta đến để trút hết bao nhiêu muộn phiền, và ra về cũng cảm thấy nhẹ nhàng, tâm an hơn. Hồi còn nhỏ, khoảng chín mười tuổi gì đó, tôi có ao ước, hay mình đi tu? Lúc đó với tôi, được khoác áo sơ là một điều gì đó thiêng liêng ghê lắm. Chỉ đội vòng hoa lúc nhận bí tích Rước lễ thôi tôi đã sướng rơn, cứ hít hà mãi hương hoa hồng thơm tho trên mái đầu mướt rượt. Lúc đó chỉ nghĩ, mình đi tu chắc sẽ hiền hơn, thánh thiện hơn và nhẹ nhàng hơn rất nhiều, giống nụ cười của mấy sơ mỗi lần vuốt tóc tôi. Đi tu, tôi nghĩ người ta được lánh đời, xa thế tục hoàn toàn, nếu không ai mà hiền được vậy.

Lớn lên, cho đến tận bây giờ, tôi vẫn nghĩ những người tu hành là những người đẹp, họ đẹp vì họ dám từ bỏ, đẹp vì họ đã tìm ra một kho tàng khác quý giá hơn tất cả mọi kho tàng trên thế gian này, chấp nhận sống như những người “gàn” giữa một thế giới trong đục bất phân,… . Nhưng đến lúc này, tôi lại từ bỏ ý định trở thành những người gàn đó, vì nhiều thứ. Tôi đùa với thằng bạn:” Oanh mà đi tu chắc không nhà thờ nào chứa nổi, mấy xơ phải cột giò vào giường mất”. Bạn cười nắc nẻ, nhưng trả lại cho tôi một câu:” Gì mà ghê vậy, nếu Oanh muốn Oanh sẽ làm được thôi”. Câu nói đó bao nhiêu lần xoáy vào trong tôi, ừ, phải chăng vì tôi không muốn, phải chăng vì tôi vẫn còn vương vấn cái gánh đời mình mang trên vai mà mỗi tuổi sẽ càng thêm nặng cho nên tôi vẫn không chịu từ bỏ.

Đã nhiều lần, tôi cũng tự hỏi sao mình không từ bỏ? 

Đó là khi, đứng trước một cảnh đẹp trần gian, đứng giữa một bên là triền cỏ xanh rì, rạt rào dưới bàn tay ve vuốt của gió, một bên là nước dưới chân mình âm thầm len lỏi qua những ghềnh đá, mặt trời đánh rơi xô nắng xuống mặt nước, gió liêu xiêu vo nắng lại thành những hạt pha lê nhiệm màu, soi rõ mặt mình quang quẽ. Đó là khi nằm dưới tán thông già, nghe đất bên tai mình rầm rì, chênh vênh trong mây trời hư ảo, hay leo lên đỉnh núi mê miết gió, đứng trên cao, mình như bị tạt về phía bìa trời, thấy mọi thứ dưới kia nhỏ bé và hư ảo, chúng nhút nhát lẩn mình đi trong sương mù dày đặc. Đó là khi, cầm lấy tay em bé dân tộc, bàn tay lem nhem, còn hoang hoải mùi đất, nhưng nụ cười ngây thơ, nụ cười đơn sơ như sông như suối ấy,làm sao những em bé thành phố có được. Tôi rưng rưng, thấy tim mình nhịp nhàng chao động. Những cảnh ấy, thân thương như máu đang chảy trong huyết quản, như thịt da gắn bó với cơ thể mỗi phút giây. Với một số người, họ khen “Đẹp quá, không có nơi đâu đẹp bằng”, người ta bảo:” Đến đây thấy tâm mình bình an, thấy mọi chuyện chỉ đáng phù vân…”. Còn tôi yên lặng, tôi cũng thấy cảnh đẹp, đẹp như mơ, đẹp hiền hòa, nhưng đằng sau nét đẹp đó, tôi luôn khắc khoải hỏi:” Cảnh này sẽ đẹp trong bao lâu nữa, bao lâu thì nó sẽ biến mất?”. Và tôi bắt đầu thấy chộn rộn, thấy xa xót, khi nghe người ta bắt đầu dự án này, công trình nọ, bắt ngang ghềnh đá lúc đó tôi lượm về cả rổ thông, giờ quay lại chỉ thấy bụi mịt mù, lá khô xào xạc dưới chân. Và rồi cảnh đẹp nên thơ kia, không còn nên thơ nữa, tôi chỉ thấy nó phủ nét trầm mặc, buồn thê thiết, mong manh hơn bao giờ hết, khi mỗi ngày nghe tin chú voi rừng cuối cùng của khu vực bị sát hại dã man, nghe trong năm, cả nước có mấy trăm ngàn hecta cây rừng bị đốn hạ. Thấy như máu trước mắt mình đang nhòe nhoẹt, thực chứ không phải chỉ truyền tiếp qua mấy tấm ảnh bê bết máu từ chú voi ngã quỵ. Tôi bắt đầu thống thiết, bắt đầu chạy, bắt đầu tự vấn, sao mình cũng yêu nó, yêu nước mình, cũng đã đến thăm quen bước chân, mà mình chẳng có tiếng nói nào, hành động nào để bảo vệ? Không như người ta, cảnh đẹp này mất, người ta tiếc, cũng buồn, một chút thôi:” Ừ, nhắc đến thấy buồn quá à”, nhưng rồi người ta quên, vì đất nước mình, không thiếu những cảnh đẹp, những con người nơi đó có lâm nguy, mình ở xa quá, đâu phải chuyện của mình. Cuộc đời còn bao vụn nỗi lo, hơi sức đâu… Vì thế, họ nhẹ nhàng một nửa.

Mấy lần đi chơi với vài người bạn, họ giản dị, nhẹ nhàng trong cách sống, cách nghĩ suy “người ta sao mình vậy” tôi cũng tự hỏi, sao mình không được như người ta? Sao tôi không khen ca sĩ này có cái đầu đẹp, có đôi mắt hút hồn, tự hỏi coi diễn viên kia sắp tơi sẽ nhận đóng phim nào. Đôi khi, tôi chỉ quan tâm người ca sĩ này có giọng hát mềm mại, nhưng u buồn quá, chắc cuộc đời cô không mấy hạnh phúc, suôn sẻ (người đa cảm thì đời cũng thế), tính nói với bạn, nhưng bạn chưng hửng:” Bà già đó là ai?”. Tôi tìm kiếm những người hát hay, không quan tâm ngoại hình, còn bạn bè tôi, họ tìm kiếm những người đẹp mã, quen với những người vậy, dễ sống. Tôi biết điều đó, nhưng không làm được. Cho nên đôi khi, giữa những bạn bè đồng trang lứa, chúng tôi chỉ có những chuyện xã giao, hay sâu sắc hơn, là lời an ủi, là sẻ chia chuyện đời mỗi người(với tôi chỉ ở phương diện nào đó), cho nên nhìn lại thấy mình nhiều bạn, thấy bạn mến mình mình mến bạn nhưng giữa mình và họ, chẳng có điểm chung nào. 

Nhưng nhìn lại, tôi thấy họ hơn mình nhiều thứ lắm. Vì mình muốn giữ mùa hè đẹp đẽ, nên lúc nào cũng riêng rẽ thời gian: Chơi-học-làm việc-vẩn vơ, còn họ chỉ cần cắm đầu vào học, bất cứ lúc nào, khi vừa chớm hè, khi vừa nghỉ tết, nên họ học giỏi hơn tôi. Họ nghĩ mình sẽ học thêm ở đâu khi vừa nghỉ hè, nghĩ mình sẽ tiếp tục học lên cao học, tiến sĩ, để làm việc tốt hơn, để có tiền nhiều hơn, để được trọng vọng hơn. Còn tôi, tôi có con đường đi của riêng mình, chẳng bằng ai, nhưng tôi chưa nghĩ đến những danh vọng như họ, nên thấy mình chơ vơ, lạc lõng, đôi khi là tụt hậu, khi nghĩ đến mình sẽ làm con người bình thường, có công việc bình thường, mình có thời gian đi đây đó, hiểu thêm việc đời, việc người, cõng chữ lên miền núi, rồi bao nhiêu mơ ước cũng…bình thường như vậy. Vì như vậy, nên tôi không biết nói gì với họ, cứ lặng lẽ mà làm, mà thất vọng, rồi lại hy vọng. 

Đôi lúc, những người xung quanh bảo tôi:” Theo văn chương là mơ mộng, là trên trời mà không biết dưới đất ra sao, cuộc đời đâu có màu hồng”, họ từ chối phũ phàng tôi, dù cái mà tôi đang có, không bằng một góc những người đang theo nghiệp văn chương. Tuy nhiên, tôi vẫn biết rằng con đường mình chọn, không phải trên trời, không hề bằng phẳng. Văn chương làm người ta nhìn đời đẹp hơn, nhưng chỉ ở khía cạnh nào đó, còn lại, chỉ toàn u buồn thôi. Cuộc đời này gai góc hơn, thác lũ hơn khi có văn. Mình đau đáu rượt đuổi, đi trước đời để rồi nằm dưới đời, nghe ngóng, phập phồng, buồn không thôi… Vì những gì kì lạ nhất, ám ảnh nhất của cuộc đời, mình đã biết, nhưng mình vẫn buồn, vẫn đau, đau để viết, đau để sống. Bi kịch ở chỗ đó.

Theo con đường mình đi, có nghĩa mình lại tự buộc vào đời mình thêm một sợi dây. 

Những người đi tu, giờ đây với tôi, họ cũng bình thường như bao người, nghĩa là trong họ, nước đời vẫn xuôi chảy mải miết, vẫn có những buổi trò chuyện, ăn uống với giáo dân, cũng có những sai lầm rất “đời”. Càng gần đời, sống trong đời, mình mới có dịp để lọc tâm hồn mình trong lành, để hiểu hơn chính mình.

Nhưng tôi, vẫn không muốn buông đời bên cỏ, vẫn muốn có một công việc(hoặc nhiều công việc), vẫn muốn có một người để yêu thương, để chọn làm bạn đời, dù cuộc đời tôi, có thể sẽ thăng trầm hơn với người đó. Vẫn muốn có những đứa con, để đêm ngủ phải tỉnh giấc nghe tiếng khóc ngặt nghèo bên tai, âm thầm theo con lớn, âm thầm đau theo những bước chân lầm lỡ của con. Tôi vẫn muốn được đời xô đẩy, được nhận được nhiều cái tát, hay cái vuốt ve, để tôi biết rằng mỗi cái đụng chạm của đời, đã trở thành hơi thở, thành vết sẹo trên lòng. Vẫn hạnh phúc vì những gì mình nhận được và cho đi.

Khi đau nhiều, đôi khi người ta cũng nhẹ nhàng hơn, bởi hơi thở mình, thiếu nó làm sao sống được?

 Của Ngân:

Đọc xong bài này Ng chợt thấy lòng nhẹ nhàng hơn vì hình như có người hiểu rất rõ tâm trạng của mình, cứ tưởng chừng như đứng trước tấm gương mà soi lại tâm hồn mình. Cứ tưởng chừng như một người họa sĩ nào đó khắc họa được những gì miên man vô định không bờ không bên một cách rất tinh tế mà đôi khi chính Ng đôi lúc đau đớn khổ sở muốn từ chối, muốn trút bỏ khỏi....và ước...tại sao mình không như người ta...vô tư một chút...để bình yên hơn. Nhưng mà Oanh nói đúng lắm, người ta chỉ có thể đau đớn vì yêu, yêu cuộc đời, yêu con người một cách sát nghĩa, chứ không phải vui tươi hớn hở trong cái xô bồ của những cuộc chơi mà cuộc đời mang đến rồi lại chóng tàn, Oanh nhỉ. Cám ơn Oanh nhiều nhé. Ng còn nhớ đọc một câu chuyện về sự bình an trong tâm hồn kể về ông vua nọ ra đề tài khắc họa sự bình an. Có 2 họa sĩ tham gia. Một ông vẽ một bức tranh tuyệt mỹ về thiên nhiên, êm ái, nhẹ nhàng. Còn một ông khác vẽ một cơn giông bão tố dữ dội giữa đời nhưng trong một hốc nhỏ của một thân cây có một bầy chim nhỏ đang ẩn nấu dưới đôi cánh của mẹ chúng. Và đó mới là sự bình an thật sự trong tâm hồn. Bài viết này cũng thế. Ng cảm nhận được bình an, và Ng tin chắc Oanh cũng cảm nhận được cái bình an tuyệt mỹ đó bên Thiên Chúa khi viết lên bài này. 
Của


Nhận xét

Bài đăng phổ biến