"Có khi mưa ngoài trời là giọt nước mắt em..."

 "Có khi mưa ngoài trời là giọt nước mắt em..."

Hôm nay, nhìn tận mắt con gái thầy, cô bé nhỏ nhắn, thơ ngây, hiếu động nhưng nét cười hồn nhiên của em dường như vẫn hiển hiện nỗi đau đớn, thiệt thòi bởi căn bệnh hiểm nghèo… Và trong nụ cười của người thầy mà mình yêu quý, trong câu nói hóm hỉnh:” Thứ 7 chỉ dạy mình lớp các bạn thôi rồi về, ở nhà nó còn siêu quậy hơn nữa, mà hôm nay nó sợ vì bị cô bảo mẫu đánh hoài nên khóc đòi theo, thầy thấy tội quá nên không nỡ gửi em lại” dường như vẫn lắng đâu đây sự chua xót… Nghe xong lúc đó, có một bạn học đã quăng ngay tờ giấy thư cho mình rằng:”Oanh ơi, nghe thầy nói tội quá, hay lát Oanh nói thầy cứ mang em theo đi, có một tiết thôi mà”. Mình hiểu rằng điều đó là không thể, bởi khi đứng trên bục giảng, người giáo viên bắt buộc phải toàn tâm toàn ý cho bài giảng, không thể vì chuyện gia đình mà làm ảnh hưởng đến tập thể lớp. Mình gấp lá thư lại, an ủi bạn rằng, thôi, chắc chắn có nói thầy cũng không đồng ý đâu, hôm nay bất đắc dĩ lắm thầy mới phải mang em theo, mà đàn ông vừa làm việc vừa chăm sóc con khó có thể chu toàn lắm, cô bé còn nhỏ qúa, mà mang lên lớp mình lại không tập trung. Hai đứa nhận thư, xa xót nhìn nhau, thương thầy quá đỗi…

Mình đã từng vào nhà của nhiều người nghèo, nhà của em họ, của những người hàng xóm bên Campuchia, và khi nhìn nhà thầy qua những bức ảnh chụp ,mỗi lần bước vào là một lần quặn đau. Như khi đến thăm nhà em họ, không thể diễn tả hết cái thiếu thốn và chật hẹp của một cuộc sống bị cái nghèo bủa vây. Thậm chí đến cả cốc nước uống, mình cũng thấy nó có vị lạt lẽo, chát đắng. Và nhà người nghèo thì thường bừa bộn, cái bừa bộn khiến người ta không chỉ khó chịu mà còn phải quay mặt đi che giấu giọt nước mắt khi ngồi xuống là đụng nồi cơm, đứng lên đụng chiếc gầm thang quá thấp, nấu ăn thiếu mắm, muối, đường… Trong hoàn cảnh đó, mình hiểu rằng khó có thể đòi hỏi họ sống sạch sẽ, chuẩn mực, khuôn phép, không thể ngăn con cái họ đôi khi thốt ra câu chửi thề, hay bắt họ ngày ngày đi lễ, bảo vệ môi trường, dùng nước sạch hay đừng mua những thức ăn kém chất lượng trộn đầy hóa chất để làm giàu cho đám người mua gian bán lận, trong khi miếng cơm hằng ngày họ cũng chưa no đủ, những chuyện ấy vượt ngoài tầm tay họ. Căn phòng mà vợ chồng thầy ở, phải đi qua bao nhiêu con hẻm, bao nhiêu căn phòng rộng rãi khác, để rồi nó nằm lọt thỏm trong góc tối, mở ra một thế giới những người trí thức nghèo, vì cái nghiệp trót mang, vì cả số phận kém may mắn giáng xuống căn bệnh hiểm nghèo cho con cái đầu lòng họ. Và mình hiểu rằng, với một căn phòng chật hẹp như thế, thầy không thể có những giờ dạy thêm tại nhà để trang trải như bao giáo viên khác, mà số tiền kiếm được từ việc dạy chính quy lại quá thấp.


Mình vốn không yêu nghề giáo(đến mức có thể từ bỏ tất cả mà theo), nhưng mình rất thương những người làm nghề gõ đầu trẻ. Họ là những người rất can đảm. Những người giáo viên, mà nhất là giáo viên môn xã hội ngày nay, họ phải trở thành những người siêu phàm, khi vừa phải lo kiếm miếng ăn cho gia đình, vừa phải chu toàn dạy trên lớp sao cho nhiệt tình, tận tâm,hết mình với học trò trong khi mọi người ngoay ngoắt, ngán ngẩm khi nghĩ đến môn mà họ dạy. Nếu là một người may mắn xuất thân trong gia đình khá trở lên, thì việc tận tâm với nghề với họ sẽ nhẹ nhàng hơn, còn với những người cuộc sống vốn đã thiếu thốn, thì không khó hiểu khi họ không thể hết mình vì công việc trên lớp, khi mà cái nghèo, cái đói đang réo gọi. Nhà văn Nam Cao đã từng ngậm ngùi:” Khi một người bị đau chân, họ có bao giờ quên cái chân đau của mình mà nghĩ tới điều gì khác đâu. Tôi biết vậy, nên chỉ buồn chứ không nỡ giận”. Làm sao bắt mọi người sống bằng đam mê của họ, khi mà cái đam mê đó không đảm bảo cuộc sống họ sau này được, khi mà niềm đam mê ấy không hề được đãi ngộ, không hề được xã hội vun đắp? Mà khi xã hội bước lệch, thiếu hụt bất cứ nguồn nhân lực nào thì xã hội ấy không bao giờ có thể phát triển được.
Học Văn, mình không chỉ học từ bài giảng, mà còn học từ những giọt mồ hôi thầy khi phải đứng thao thao nói suốt những tiết dài, học “văn” từ cái dáng vội vã, tất bật của thầy qua từng lớp, rồi lại tất bật về trong mưa trời vẫn tuôn. Có bạn hỏi mình, không biết thầy có thể kiếm được đủ nửa tỷ để thay tủy cho em Dung không, vì vào máu thường xuyên như vậy em sẽ bị dư sắt, gây nhiều biến chứng sau này, mà em cũng không sống được lâu khi mà nụ cười em còn ngây thơ quá, cuộc sống em còn ngắn ngủi quá, cuộc đời còn nhiều niềm vui quá, mà em thì không được hưởng những điều đó, mà một người tốt như thầy lại không có được cuộc sống tốt theo lẽ công bằng của cuộc đời. Mình không biết nữa, mình chỉ cười, bảo:”Tin thầy đi, thầy mạnh mẽ lắm”. Nhưng tại sao khi viết những dòng này, mình không cười được nữa, không còn lạc quan được nữa, cho mình và cho thầy? Thấy lòng đau tan nát. Tự nhiên thèm được cười, dù đôi khi cười đâu phải là lòng không đau…

Bài đăng trang web Thay lời muốn nói tháng 11- Nghĩ về người thầy

Nhận xét

Bài đăng phổ biến