Nơi ấy, mùa nước nổi...

Nơi ấy, mùa nước nổi… 

Rừng tràm nói gì với bạn, khi bạn trôi trong lòng nó?

Tôi cứ tự hỏi hoài như vậy, khi uống trọn một cõi yên lặng của rừng tràm Xẻo Quýt. Cả nửa tiếng ngồi trên chiếc xuồng lá len lỏi qua những thân tràm rũ rượi xõa tóc che ngang lối đi, như một người chưa sẵn sàng đón tiếp vị khách lạ, rừng cứ thế phô hết những vẻ đẹp mộc mạc của mình không ngại ngùng, không bày biện, như thể để khách thấy cái sự lòa xòa đó thật khó coi mà bỏ về giữa chừng. Vì ngay khi vừa chạm mặt, rừng đã đón tôi bằng một câu khuyến cáo:” Đừng để lại gì sau lưng bạn ngoại trừ dấu chân/ Đừng lấy gì của rừng ngoại trừ hình ảnh/ Đừng giết gì ngoại trừ thời gian”, nhưng tôi vốn cứng đầu, nên cũng cứ cương quyết sấn tới, cũng sắn quần, cũng bè chân ngồi xuống bên rừng tràm, vì muốn xóa bỏ cái ranh giới giữa người phố và kẻ quê, vì nét bình dị này sẽ hứa hẹn nhiều khoảng nhớ khác trong kho tàng kí ức của tôi.
 
Và rừng không ngại ngùng tôi nữa. Mùa này nước nổi, khoảng rừng lênh láng màu nước váng xanh, lục bình hai bên vạt kênh bập bềnh kết thành dải trôi mênh mang theo xuồng. Lục bình chờ gió chướng thổi sòng mới trổ bông. Ở miền Tây nhiều loài hoa dại, chân quê đến nao lòng, và cũng cô đơn đến tận cùng khi sánh đôi cùng sông nước. Nắng chiều phai dần trên những cánh lục bình biêng biếc, có bụi lục bình nở hoa muộn, tím liu riu thiu thỉu chờn vờn trên mặt sông chiều cô quạnh, cứ thế gió đưa hoa trôi lại gần, gần vậy nhưng với hoài không tới, cũng như những vẻ đẹp mỏng manh bao giờ cũng vời vợi cách xa… Giữa màu tím dịu dàng của lục bình, sậy cũng lơ thơ rợp cả góc trời, những cành sậy mỏng manh, nghiêng chảy theo gió về một phía, làm thành những viền xanh uốn lượn giữa dòng, tự nhiên tôi chợt nhớ mấy câu thơ ngọt lịm của Ngọc Hiệp: Em nhận ra dòng sông quen thuộc quá/Hương phù sa châu thổ của quê mình/Mùa gió chướng hoa lục bình nở rộ/Chuyến đò chiều chở tím cả hoàng hôn... Ngắm nhìn sậy chập chờn trong nắng, tôi cứ thèm nằm giữa rơm rạ quê nhà, nghe tiếng những đứa trẻ chăn trâu ơi ới gọi nhau, thoảng trong gió mùi bụi ngọt, mùi khói đốt đồng cay xè quăng quật giữa mắt, mà lịm đi trong cái ngọt ngào của màu lúa chín vàng của miền quê châu thổ…

Càng lách vào sâu trong những con rạch nhỏ, con đường nước càng thênh thang, và cái vẻ “nguyên sinh” của rừng bây giờ mới bộc lộ hết. Cứ một chốc tôi lại bắt gặp những gò mối cao, được che phủ bởi những dải bòng bong, lòa xòa che kín lối. Hai bên bờ rạch chỉ có tràm và tràm, những cây tràm lớp quỳ lớp đứng, đan tay ngả vào nhau thành chòm, thành rừng. Mùa nước nổi, đênh đênh trên xuồng len qua những thân tràm, thấy nắng như tắt trên môi khi uống gió từ rừng tràm đem lại. Những thân tràm như nhuộm nắng, những lớp vỏ vàng đồng cuốn lấy nhau như giấy gói thuốc lá, sắc vàng loang cả ra mặt nước. Nếu đứng từ trên cao, nhìn xuống rừng tràm lúc này, hẳn sẽ thấy cả một hồ nước dát vàng, giữa lớp vàng lung linh nắng lô nhô những ngọn tràm bong lên huyễn hoặc… Ngồi trên xuồng len qua con nước, dường như tôi cũng nín thở cùng không khí lặng tờ nơi đây. Trên mặt nước lúc này chỉ có những tiếng nhảy nhót của đám nhện nước cùng tiếng vo ve của bầy muỗi rừng, không đủ để khuấy động luồng gió rượi rượi đang quánh sệt dần khi càng len lỏi vào ngõ hẹp. Rừng âm u quá. Thế nhưng nơi đây dường như lại là cả thế giới của động vật. Chốc chốc, tôi lại bắt gặp một cánh chim sà xuống trên những ngọn lúa dại rồi chao liệng về phía bìa trời rất nhanh, từng động tác vỗ cánh cũng nhẹ nhàng. Vì nơi đây mọc nhiều lúa dại, nên chim trời thi thoảng vẫn về đây mót lúa, chị chèo xuồng trước mặt tôi bảo vậy.

Ngồi trên xuồng đi vào rừng tràm, là tôi đã xóa bỏ một nửa cái khoảng cách giữa người phố kẻ quê, và in vào kí ức mình một mảnh thích thú. Cái cảm giác trôi dạt, dập dềnh như lục bình, chênh chao giữa con nước ròng không giống như ngồi trên bất cứ phương tiện giao thông nào khác. Nó không tiện nghi, nhưng thảnh thơi, giản dị khiến lòng người bình tâm lạ, trải cùng với sông nước mênh mang.

Có lẽ nên gọi chị là thổ công, bởi chị vừa chèo xuồng, vừa kiêm luôn công việc hướng dẫn viên. Mười tám tuổi, chị bước chân vào nghề chèo xuồng, và năm nay chỉ vừa tròn mười chín, tuổi còn tươi như bông lục bình vừa chớm nở ven bờ. Nên chắc con đường nước này không lạ với chị, nơi nào nước sâu chị dùng chèo, nước nông thì chống sào, đôi lúc phải bám gốc cây đẩy xuồng tiến về phía trước Chiếc lưng áo bà ba đen của chị xoay về phía tôi, gầy guộc. Trước mặt tôi, suối tóc dài dưới vành khăn rằn ri của chị cứ khiến lòng xao xuyến gì đâu. Hình như chỉ khi ngồi xoay lưng với nhau mà không thấy mặt nhau, người ta mới thấy buồn thăm thẳm, buồn chênh vênh, lạ kì. Sông nước hay gợi chi hoài niệm.Tự nhiên lúc này, tôi nhớ da diết tới lưng của ba tôi, khi cõng tôi lang thang trên con đường thơ ấu, rồi cũng tấm lưng ấy quay đi viễn xứ, chập chờn nỗi tha hương. Nếu lúc này mà có ai bật radio hay điện thoại, tiếng cô Hương Lan hát dập dìu: “Nhưng em không thể quên cây cầu dừa mưa rụng giọt mưa/ Cha đưa em đi học ngôi trường xa, đôi chân em bé nhỏ sợ lấm bùn/ Cha ngồi xuống cõng em cha nói cưỡi ngựa ngựa phi…” chắc tôi sẽ gục đầu mà khóc ngon lành!

Nửa tiếng trôi qua, con đường nước vặn mình vào khoảng trống chỉ còn lục bình, nước chảy xuôi dòng, thênh thang, miên man. Chỗ đó, đoàn du lịch của tôi đang chờ. Chị dìu tay tôi lên bờ, chiếc xuồng chòng chành như tiễn biệt, lời của chị nhỏ nhẹ trong nụ cười đượm màu hoa tím:” Khi nào có dịp ghé lại Đồng Tháp chơi, em nghen!”. Vậy là tôi đã thực hiện được một nửa lời hứa với rừng tràm:” Không lấy gì ngoại trừ hình ảnh”, nhưng tôi nghĩ ngay cả vết chân của mình cũng chìm dấu mất, vì tôi đâu có đi đường bộ. Nhưng rừng tràm còn giữ lại của tôi hai thứ: nước mắt và hoài niệm.

Khoảng rừng vàng tắt dần màu nắng, gió chiều lao xao, lục bình vẫn từng bụi trôi trôi. Có lẽ tôi sẽ nhớ nhiều lắm miền tây mùa nước nổi. Phù sa cứ đến hẹn lại bồi đắp, dưỡng nuôi những đời sông, đời rạch.. Con người như dòng sông, năm tháng chắt lọc hết phù sa cho đất để rồi oằn mình chảy về biển, thui thủi một mình…

Men Kim Nguyễn Kiều Oanh

Nhận xét

Bài đăng phổ biến