Lắng nghe đời trôi...


Không hiểu sao, tôi vẫn thường dừng chân lại rất lâu bên những xe hát rong bên đường, bên góc chợ hoặc một quán nhậu nào đó khi có dịp ngang qua.

Những người hát rong trên đường phố Sài Gòn, thông thường hay bán kèm một món hàng nào đó, như kẹo kéo(trong các quán nhậu), bàn chải đánh răng, xà bông,... hoặc họ mang thân thể tật nguyền, khó nhọc lăn đi trên những tấm ván gỗ có gắn bánh xe, đem tiếng hát của mình đổi lấy vài đồng lẻ. Họ, thông thường là không bao giờ rao hàng hoặc quảng cáo về sản phẩm mà mình bán. Lời ca, tiếng hát của họ cũng chính là tiếng rao hàng. Cứ lặng lẽ như thế, qua bao nhiêu con phố nhộn nhịp, băng qua bao nhiêu con người giữa chợ đời tấp nập, có người chú ý, có người không, có người nghe hay và dừng lại mua chút hàng, cũng có người chán ghét tiếng hát của người-không-phải-là ca-sĩ nên bỏ đi một nước.

Sáng nay đi chợ, tôi lại dừng bên xe hát rong(tôi không biết phải gọi là gì) của anh. Một người đàn ông cụt mất cánh tay trái, mắt lòa, áo sơ mi nhàu nhĩ màu xám tro, cầm micro tay phải, trên rổ hàng bán đầy những thứ có thể tìm thấy trong tiệm tạp hóa là chiếc loa nhỏ đang phát giai điệu của một bài hát tôi rất say mỗi khi nghe phải. Chắc không phải vì câu vọng cổ cất lên rất mùi: “Hò ơ... Sông quê nước chảy đôi bờ / Để anh chín dại...để anh chín dại mười khờ...thương em...” mà tôi cứ nấn ná hoài không thể cất bước đi. Tự hỏi lòng, phải chăng Tạo hóa luôn công bằng như thế, khi lấy đi đôi mắt và cánh tay, hẳn sẽ bù đắp lại một giọng ca ngọt ngào yên ả, một sự tĩnh tại an nhiên mặc mưa rụng nắng xối...

Tôi yêu âm nhạc, nghệ thuật, nhưng tuyệt nhiên không thể gọi là si mê bất kì ca sĩ hay nhạc công nào. Cái hào nhoáng trên sân khấu của họ không khiến tôi cuồng say cho lắm, dù biết rằng cả mình và đời không thể thiếu đi tiếng hát ấy. Nhưng tôi lại đặc biệt thương mến những người hát rong chân chính. Với tôi, dù mưu sinh bằng những nghề nhỏ bé trong xã hội đến đâu đi nữa, thì đồng tiền mà họ kiếm được bằng sức lao động chân chính vẫn khiến tôi trân trọng và cảm phục.

Nắng đứng bóng trên đầu, tôi chỉnh lại vành nón, đành bước đi về phía những gánh hàng cần mua cho buổi cơm trưa. Dù sao, nghệ thuật và miếng cơm manh áo vẫn chưa bao giờ có thể đánh đồng được với nhau. Người đàn ông đó vẫn đứng hát, lặng lẽ như một dấu chấm than giữa chợ đời, tiếng ca hiu hắt đong đưa. Sông nắng trước mặt tôi bỗng hóa thành con sông quê dịu dàng trôi qua tâm tưởng: ”Nhánh mù u con bướm vàng không đậu/ Câu ca từ thời thơ dại ru sang/ Sông quê trường làng con đò trên cát lở/ Cũng vì em xa mà thành điệu nhớ...nao lòng...”

Anh, gánh đời trên vai và tiếp tục khúc rong ca qua những con phố.

Tôi tự hỏi gánh đời của mình, so với anh, nhẹ hay nặng?

Nhận xét

Bài đăng phổ biến