Rộng đất hẹp người
Rộng đất hẹp
người
Quyết định bỏ chuyến đi Đồng Tháp
với trường vào Chủ Nhật này khiến tôi cảm thấy tiếc nuối, day dứt mãi.
Tôi luôn tự nhủ,
những miền đất mình qua, dẫu nghèo nàn hay hiện đại, cũng là một phần ruột thịt
ở Việt Nam mà sau này chưa chắc cả đời mình có dịp về thăm lại. Bạn bè bảo:” Đi
chán lắm, mai mốt ra đại học, có việc làm rồi thiếu gì dịp để đi”. Nhưng tôi
biết rằng hiếm có người nào thực hiện được 30% câu nói đó. Có thể sau này ra
đời, bạn sẽ du lịch đến những miền đất đẹp, quen thuộc như Đà Lạt, Nha Trang,
Phan Thiết, Sa Pa, ..v.v. Bạn đi rồi vẫn thấy nó đẹp, nhưng hiếm khi nào bạn
đặt chân đến một miền tây Nam bộ mênh mông sông nước, nhất là vào mùa nước nổi,
mặt sông đỏ au màu phù sa hiền hòa, bắt đầu ì oạp ăn dần vào bãi cát, nương
ngô…, làm sao bạn chịu nổi cái buồn hiu cô quạnh khi lênh đênh giữa bốn bề kênh
rạch, đêm nghe bản hợp tấu rưng rức của bầy côn trùng trong nội cỏ, dặt dìu
tiếng đàn cải lương ai đong đưa giữa bóng ngủ chập chờn, nghe tiếng trẻ con
khóc, nghe tiếng ru hời, nghe tiếng thở của những kiếp áo nâu co ro trong cái
nghèo, nghe buồn rơi xa xiết…
Chao ôi, rồi làm sao bạn cất công mà đi đến tận Tây
Nguyên, uống một chén rượu cần già làng mời để tô hồng đôi má bạn, chập chùng
giữa gió ngàn phố núi là tiếng chiêng, tiếng cồng, vừa thanh sơ, vừa rắn rỏi
như bản chất con người Tây Nguyên ngạo nghễ, phóng khoáng, nhưng tinh tế biết
bao….
Có thể bạn sẽ đi, nhưng với vai một khách du lịch chịu
chơi(nhớ nhé, bạn là khách), bạn ngồi trong xe hơi che kiếng bít bùng, tiếng
nhạc xập xình quyện trong hơi lạnh của máy phả ra êm dịu, bạn chẳng biết con
đường xuống miền Tây bao xa, qua bao nhiêu đầm phá, chẳng biết đường lên Sa Pa
bao nhiêu đèo, bao nhiêu dốc, bao nhiêu điều thi vị thiên nhiên tặng bạn, mà
chỉ có dọc đường gió bụi, bạn mới nhận ra. Cứ thế, bạn đến cao nguyên thì quăng
tiền ra để thịt rừng bày la liệt trên bàn, biết Tây Nguyên có cồng, có chiêng,
có mấy cô sơn nữ mặc đồ dân tộc thiệt ngộ, nhưng chẳng biết gió đại ngàn ngọt
ngào ra sao, chẳng biết đất Tây Nguyên thấm bao nhiêu xương máu, mới thắm đỏ ân
tình thế này, dẫu chỉ là một vệt bazan vương vấn trên áo bạn.
Bạn
hoàn toàn chẳng biết. Bạn đâu phải nhà Việt Nam học, đâu phải nhà báo, đâu phải
nhà văn, đâu phải đứa…tưng tưng mà đi tìm hiểu, để ý mấy chuyện đó! Đất Việt
Nam có thay đổi gì, mình là công chức, ngồi phòng lạnh, xung quanh là giấy tờ
ngổn ngang, hẹp quá đời bạn, mà Việt Nam dẫu đi hết thì vẫn còn rộng lắm bạn à.
Rộng đất, rộng lòng người, mà những điều rộng rãi thắm ân tình đó, nếu không
đặt trái tim bản xứ vào, bạn vẫn không cảm nhận được, cứ thấy nó trôi tuột lặng
lẽ sau mỗi chuyến đi…
Thế nên đi đến đâu, tôi cũng cố gắng đặt mình vào thân
phận một người con xa xứ. Vậy tôi mới thấm thía hết được vẻ đẹp mà vùng đất
mình đang đứng, mới nhớ cho tận cùng cái nỗi niềm người tha hương luôn đau đáu
trông về quê nhà vời vợi. Mà cái điều đó thì khó quá, càng lớn càng khó. Về Tây
Ninh, tôi bị cái nóng gay gắt, như thiêu như đốt của miền đất này hất đi những
háo hức, hất đi những yêu thương, gắn bó, để đến khi chạm vào những thân cao su
đang ứa nhựa tràn trề, mới chợt chạnh lòng nghĩ ngày xưa, cao su và máu trộn
lẫn dưới gốc cây này, cha ông mình đã bao lần “đi dễ khó về” trong hoàn cảnh
đất nước bị thuộc địa rên xiết. Sao mình lại không yêu được, cái nắng này đã
tôi luyện Tây Ninh thành đất thép, nơi có người anh hùng Nguyễn Văn Thương 6
lần bị giặc cưa chân vẫn ngoan cường sống và chiến đấu. Nơi cát bụi cũng quyện
lên cái khắc nghiệt, nét dặm trường trong làn da ngăm ngăm rắn rỏi của người
bán bánh tráng bên vệ đường, sao tôi lại không yêu?
Vì tôi còn bị cái nghèo, cái lạc hậu, cái tủi phận khi
so đo mặt bằng người phố với người quê, để rồi chùng lòng, để biết rằng họ vẫn
đang bước đi khập khiễng vào đời, cái khập khiễng không phải do họ hoàn toàn,
mà phần lớn do sự đô thị hóa quá nhanh chóng, khiến nét quê phai dần, mà hiện
đại cũng thật lạt lẽo.
Yêu, không có
nghĩa là bạn sẽ gắn bó, sẽ sống trọn đời với miền đất bạn qua. Làm người, ai
cũng muốn chọn đất lành để sinh sống và lập nghiệp. Ai chẳng yêu tiền. Nên làm
sao trách được người ta dẫu yêu núi vẫn bỏ rừng xuống phố rồi đau đáu ngóng về
đại ngàn mỗi khi gặp lại nét lạnh dịu dàng của phố. Làm sao trách được người ta
vứt bỏ nét quê mùa, manh áo nâu sồng bao đời đất, phân, ruộng đồng, con trâu,
gánh lúa, cá đồng, tôm bể đã nhàu nhĩ ân tình để lên thành phố, dẫu chỉ để làm
kiếp người ở, dẫu chỉ để kiếm chân một công việc con con vô danh tiểu tốt, mà
không gian sống không bằng một vuông góc ruộng đồng thênh thang ngày xưa. Cũng
giống như người yêu, bạn yêu say đắm người tình bướm mộng hoa thơm, nhưng cuối
cùng người bạn lấy về chỉ là một người vợ bình thường rất đỗi, có thể chỉ cho
bạn niềm an tâm để kiếm tiền, để biết rằng ta dừng cuộc chơi ở đây, dẫu vuông
đời với người đó ngột ngạt, buồn tẻ, tầm thường và chi li…. Đất thì rộng, nhưng
lòng người nhiều khi hẹp quá đỗi.
Nên càng được đi đến những miền đất dẫu lạ hay quen,
tôi luôn tự nhủ nước ta nghèo nhưng đẹp, mỗi tấc đất, mỗi phận người cũng như
hoa, như muối, ướp hương ướp mặn cho đời, đều khiến tôi thấm thía, nghĩ suy và
cúi đầu trước vẻ hùng vĩ của thiên nhiên và sức khai hóa của con người.
Nhưng dường như, giáo dục trong nhà trường chưa làm
được một điều vô cùng cần thiết, là truyền cho học sinh lòng khiêm tốn, say mê
để luôn háo hức với những chuyến Về nguồn. Bài vở quá nặng nề, những con điểm
ảo, những thành tích chạy maratông đuổi theo tôi không ngớt, khiến những chuyến
Về nguồn bổ ích thế này trở thành gánh nặng, thành cái hẹn luôn luôn trễ tràng.
Tôi quên mất mình học để làm gì, học cái gì, mà cứ học, học và học, đến tháo mồ
hôi, đến rơi nước mắt, mà cuối cùng, tôi quay quắt thấy nước mình sao thiệt
nghèo, thiệt xấu, thiệt tiêu cực, thiệt chán ngắt. Tôi bỏ đi, tôi chạy trốn để
làm giàu nơi khác, cho xứ khác. Trong chúng tôi chẳng còn lòng nhân nữa, bởi
những con số, phép tính của Toán, Lý, Hóa chồng chất mười mấy tiết khiến chúng
tôi quên mình đang là người, quên rằng mình phải cảm thông cho nhau, quên rằng
mình hãy yêu nơi đất mẹ mình sinh ra đã, rồi hẵng yêu Mỹ, Anh, Pháp, Bỉ, quên
rằng sau ta còn có một quá khứ để hướng đến hiện tại phát triển… Chúng tôi quên
mất rồi, khi Anh ngữ dạy chúng tôi hội nhập, để càng hội nhập, chúng tôi càng
đánh mất mình- những con người tuổi 20 sống như thực vật, vô cảm, thực dụng!
Nên nếu được ước, tôi ước gì những người làm giáo dục
hãy thôi cải tiến sách giáo khoa, hãy thôi rêu rao những lời đao to búa lớn đầy
sáo rỗng trên cổng trường, mà cuốn sách chúng tôi đang cầm trên tay, dẫu đen
đúa, dẫu mỏng manh, nhưng dạy cho chúng tôi biết mở lòng ra, dẫu chỉ với chú
chim sẻ bên vệ đường, biết xin lỗi khi lỡ va quẹt người khác,biết "nhiễu điều mà thương dân ta lắm nỗi đoạn trường..." hay
đơn giản chỉ là biết cúi đầu khi nghe một tin bão ập đến… Những điều đó, không
cần thiết hơn sao khi học những điều vĩ mô quá, mà tôi biết chắc mình học
xong,tôi chẳng “vĩ mô” hơn chút nào, mà ra ngoài đường vừa khi bị công an ngoắc
lại, tôi đút ngay tờ 500 ngàn láng bóng vào túi người cảnh sát, chẳng chút ngại
ngùng.
Dòng chảy xã hội Việt Nam chảy xiết quá, tôi sợ rồi
đây tôi- hòn sỏi nhỏ bé ngớ ngẩn, đang cứng đầu neo lại ngược dòng, một mai
cũng bị cuốn trôi mất không tăm tích…
Nhận xét