Truyện ngắn đầu tay
Bìa đời hiu hắt
“Cuộc đời là những chuyến đi
Gặp nhau rồi lại chia ly lẽ thường…”
Con đường gần cầu vượt băng qua sông mềm mại
như dải lụa với những hàng bông lau bạc đầu chảy lơ thơ theo gió. Chiều
nay gió lặng để sậy vùi đầu vào màn mưa trắng xóa, mênh mông cả một phương
trời chỉ thấy toàn mưa, cũng có thể nhìn qua cửa kính xe, khung trời như
nhỏ lại.
-Anh ơi, tiền anh
rớt kìa. Cô gái vỗ vai Đại, gọi.
Giật mình thức giấc,
Đại mơ màng nhìn quanh, thì ra nãy giờ Đại ngủ quên trên xe mà không biết, tiền
và vé xe bó thành cọc để trên bụng lúc Đại ngủ đã vô tình rớt xuống đất.
-Cảm ơn em.
-Chắc là anh mệt
lắm?
Cô gái ngồi kế Đại mỉm
cười dịu dàng. Đó là một cô gái trẻ, có vẻ là sinh viên, mái tóc xõa dài cài
băng đô tím, khuôn mặt ưa nhìn.
-Ừ, tranh thủ ngủ
một lát lúc xe vắng người mà lỡ ngủ quên mất. Em về bến luôn hả?
-Không, em sẽ xuống
trạm kế tiếp. Anh làm bao nhiêu tiếng một ngày? Thấy anh có vẻ mệt mỏi.
Đại bất chợt cười, nụ
cười hiếm hoi trong ngày, tự nhiên thấy lòng xao xuyến lạ. Lần đầu tiên trong
suốt 6 năm làm tiếp viên xe bus, anh được nghe có một hành khách hỏi mình như
thế. Chỉ hỏi anh có mệt không. Thông thường, giữa hành khách và tiếp viên chỉ
có một nội dung duy nhất là đường đi và ghé trạm nào, tiếp viên chỉ có nhiệm vụ
kêu tài xế dừng đúng trạm để trả và đón khách. Không gian hẹp cùng với những
con người xa lạ ngăn những lời riêng tư, dù đó chỉ đơn giản là một câu hỏi
thăm.
-Khoảng mười tiếng, mà
thường kẹt xe nên lâu hơn, anh làm cũng mấy năm rồi nên quen. Đại cất lời nhẹ nhàng.
-Nghề nghiệp nào cũng
có cái vất vả của nó mà ít ai hiểu. anh cố gắng lên nhé, em nghĩ anh sẽ làm tốt thôi! Em xuống
nghen, tới chỗ em rồi.
Cô gái quay qua cười
với Đại, và bước xuống xe, biến mất sau những hàng cây, bỏ lại ánh nhìn của Đại
vẫn bám theo. Đại vẫn chưa tỉnh hẳn, đã mở mắt rõ mà đêm mênh mông quá, anh
tưởng mình còn đang tròng trành trong bóng tối, cuộc trò chuyện vừa rồi là thực
hay mơ?
Qua hết con kênh này
chừng một trăm mét nữa, xe sẽ vặn mình vào bến, kết thúc một ngày rong ruổi
trên đường phố. Từ bến rẽ trái lắt qua vài con đường nhỏ sẽ đến xóm Chà, nơi
đó, giữa hàng trăm căn nhà ọp ẹp dành cho dân nhập cư thuê xây tạm gần dòng
kênh đen ngòm không bao giờ chảy, có nhà của Đại.
Sau khi xuống xe, Đại
sẽ lái chiếc Dream cà tàng của mình về nhà, chui qua cánh cửa đã bị mối ăn hổng
ở chân ,người ngoài ngồi thấp xuống nhìn vào cũng có thể thấy tênh hênh nhà
cửa, nấm mẹ nấm con thi nhau mọc lên sau những đêm mưa ẩm ướt. Nhưng Đại không
để ý lắm, vì anh chỉ kịp bật đèn, mở quạt cho thoáng, rồi phóng ngay vào buồng
tắm rũ sạch bụi bặm sau một ngày thấm nắng gió, tóc khô như cháy. Phòng tắm nhỏ
xíu với những vệt rêu xước chằng chịt trên tường chỉ đủ để xoay lưng, nếu cố
gắng hơn thì có thể ngồi chồm hổm để giặt quần áo trong một cái thau cũng nhỏ
xíu, giặt xong thì đem ra sân phơi trên những sợi dây mắc ngang nhánh cây
xoài, và để gió đêm làm tiếp việc còn lại. Quần áo Đại hầu như không bao giờ
ngửi thấy mùi thơm nắng, nó luôn mát rượi, đôi khi hơi ẩm, tùy vào đêm ấy gió
nhiều hay ít, vì anh lúc nào cũng lấy đi mặc khi trời còn nhập nhoạng trong
đêm.
Cuộc sống của Đại 6
năm qua luôn trôi đi như thế, lên xe khi trời chưa sáng, và trở về nhà khi
thành phố thưa thớt ánh đèn, mà con hẻm của anh thì chỉ tầm 6 giờ chiều là vô
phải bật đèn xe, vì đôi khi ánh sáng chỉ còn le lói trong đốm lửa tàn nơi đầu
thuốc lá của người đàn ông nào đó bắc ghế ra ngồi trước hiên nhà hóng gió. Hôm
nào xóm cúp điện, con hẻm như trôi trong khói thuốc bảng lảng và mùi nước dưới
kênh nồng lên khăm khẳm chỉ khiến người ta muốn đi ngủ sớm.
Công việc của một tiếp
viên xe bus như Đại là hành trình của những chuyến rong ruổi suốt một ngày,
ghé lại không biết bao nhiêu trạm, gặp gỡ không biết bao nhiêu người, và một
ngày xếp chồng lên một năm, rồi nhiều năm. Hồi về quê nói rằng con đi làm lơ
xe, ba Đại bĩu môi:” Lơ xe như mày biết khi nào mới khá”. Dù hơi buồn,
nhưng phải công nhận rằng ba nói đúng, chẳng ai gọi Đại là "tiếp
viên" đúng như hai chữ trên tấm thẻ mà anh đeo trước ngực, trong câu trò
chuyện của họ đôi khi chỉ trôi ra khinh khỉnh ” thằng lơ…”. Thì lơ, Đại đâu có
để tâm gì, bởi anh đã chọn, đã sống với nghề này từ niên thiếu đến qua thời
thanh niên, từ khi còn là cậu nhóc mười bảy, mười tám ốm nhom cao một mét sáu
tám, giờ là là chàng thanh niên một mét bảy mươi hai, gần như mọi ngóc ngách
của Sài Gòn tấp nập anh đều biết rõ. Lơ hay tiếp viên cũng chỉ làm ngần ấy công
việc, hơi sức đâu mà sĩ diện.
Quê Đại ở Long An. Đại
chỉ học tới lớp 11, bằng tuổi thằng Bình em trai Đại bây giờ thì phải nghỉ vì
nhà quá khó khăn. Ba má xoay sở đủ đường từ se nhang cho đến làm hàng mã, gánh
lúa mướn cho người ta vẫn không đủ tiền trả số nợ đã vay trước đó. Đại một buổi
đi học một buổi xách vé số đi bán. Có lần đang bán cho một thanh niên ăn mặc
khá lịch sự thì hắn giựt phăng cọc vé số trên tay Đại rồi vụt chạy.
Đại không khóc, nhưng chân anh cứ chôn chặt dưới đất.
Về nhà, má la anh:” Ai biểu mày khờ quá, có miệng mà không biết la lên”, nhưng sau đó má quay mặt đi khóc:” Con người ta muốn làm người tốt sao mà khó
quá…”.
Sau lần ấy, Đại nghỉ
học, đi theo ba đóng tôn. Nhưng đến khi nhận thấy rằng dù có nhịn ăn, nhịn mặc
và nhịn cả…học hành thì gia đình vẫn nghèo, số nợ vẫn còn nằm khiêu
khích, dày vò tâm can của những con người tội nghiệp, Đại xin với má lên Sài
Gòn, vì chú Sáu, hàng xóm thân của nhà có hứa rằng nếu Đại lên ráng lay lắt làm
gì đó đỡ một năm, đủ tuổi rồi ông sẽ xin cho vô hãng xe bus làm phụ xe.
Má ôm Đại vô lòng,
khóc vùi trên mái đầu khét nắng:
-Từ xưa đến
giờ, con trai má chưa sung sướng được ngày nào giờ lại phải xa gia đình, má chỉ
sợ con học theo bè bạn trên đó rồi hư thân, má khổ lắm.
Đại quệt nước mắt chực
trào, ngẩng đầu cười:
-Má à ,con lớn rồi, ở
mãi xó quê hoài cũng ngột ngạt lắm, mà nếu con muốn hư thì cũng hư lâu rồi, má
đừng lo nghen. Con đi làm rồi gửi tiền về cho má trả nợ. Thằng Bình còn phải
tiếp tục học, nó còn phải cõng chữ nặng hơn, đi xa hơn con.
Đại ngăn hai chữ
”nhưng mà…” của má bằng cái đấm tay thẳng lên trời khẳng khái trước khi ra đi.
Tuổi mười bảy và một mớ những rối rắm vụn vặt, hành lý của Đại lên Sài Gòn
chỉ có thế.
oOo
Sài Gòn lấy đi tuổi
mười bảy của Đại bằng việc bán khoai mì nướng buổi tối, sáng tới trưa phụ bán
quán cơm ở đối diện trường đại học. Hằng ngày nhìn sinh viên ra vào, Đại nghĩ
đến thằng Bình, rồi mai mốt nó cũng sẽ được học ở nơi khang trang như vầy. Chỉ
tới đó thôi, Đại không dám để suy nghĩ đó chảy về phía mình nữa.
Đại mười tám tuổi, giữ
đúng lời hứa, chú Sáu xin cho Đại một chân bán vé trên xe bus. Mấy ngày đầu,
nhìn thấy Đại nôn thốc nôn tháo mỗi tối về đến bến, chú Sáu vỗ vai, bảo Đại:”Rồi
sẽ quen thôi, xưa giờ ở quê đâu có biết cái xe máy lạnh nó ra làm sao phải
không?”. Câu nói đó chạm vào tự ái của thằng con trai mới lớn, thì ra giữa
cái mơ ước và thực tế khác nhau nhiều đến vậy. Rồi cuộc sống buộc con
người ta phải quen dần với khắc khổ, để mà tồn tại. Đôi khi phũ phàng cũng là một
cách dạy dỗ hay. Giờ Đại nhảy lên xe đứng cả ngày cũng được, những cái lắc lư
nghiêng ngả không làm Đại khó chịu nữa. Đại vốn hiền và lặng lẽ, công việc của mình cứ chuyên tâm làm, ít mở miệng than thở với ai. Chú Sáu hồi còn dưới quê, ông hay nhìn vào đôi mắt sâu, ánh nhìn gợn buồn
của Đại nói:” Thằng nhóc này lớn lên chắc đa cảm lắm đây, đẹp trai mà ít nói
nữa thì con gái theo cả tá”.
Nhưng chẳng có ai theo Đại cả. Vào nghề rồi mới thấm
nghề, hành khách có muôn mặt, muôn tính cách, mà không phải ai cũng tử tế. Đôi
khi nản lòng, mệt mỏi, muốn buông xuôi, Đại nghĩ tới lời chú Sáu nói lúc
mới vô nghề:” Chọn cái nghề làm dâu trăm họ này phải nhẫn nhục dữ lắm.
Người ta chỉ trọ nhờ một đoạn đường rồi xuống, quên mất mình, còn mình thì mãi
ở lại , rong ruổi với những chuyến đi, nên phải để dành niềm vui, dành phấn
khởi cho những lúc vắng người…” và tập quên đi. Lúc đó, Đại không
hiểu lắm hai chữ “vắng người” ấy của chú.
Khổ nỗi, khi hiểu điều
đó thì Đại không thể bứt khỏi xe được nữa. Những cung đường trói chân Đại bởi
sự kiêu bạc, thách thức. Đi xe anh được nghe bao nhiêu chuyện người, học hỏi thêm nhiều lẽ đời giữa xuôi ngược bôn ba. Đại gói những kinh nghiệm đó làm đầy lên sự điềm đạm. Nhiều lúc đổ bệnh, Đại
xin nghỉ một buổi, một ngày nằm nhà, thiếu vắng những cái lắc lư xô bồ, thiếu
vắng mùi người phả ra hầm hập từ những chuyến chen chúc, Đại thấy mình trằn
trọc hoài không ngủ được. Và anh lại bước lên xe.
Gặp gỡ nhiều người,
nhưng những người Đại gặp hằng ngày ngoài tài xế và các đồng nghiệp, còn lại họ
dường như chỉ là khói, thấy vậy mà xa xăm, lạ lẫm, gặp đó rồi quên đó. Cũng có
những cuộc tình chớm nở từ một chuyến xe bus, nhưng đó là khi họ có chuyện để
nói với nhau như học trường nào, nhà ở đâu, đi có công chuyện gì,… còn hành
trình của Đại ngày nào cũng thế, chẳng ai trò chuyện cùng, mà cũng chẳng biết
nói gì ngoài lục cục mấy chữ:” Ghé trạm X, Y nghen chú”. Vì thế mà hầu như Đại không thể nhớ được hành khách nào. Nhớ, cũng chẳng để làm gì...
oOo
Trời vẫn mưa. Cây xoài
ngoài sân bị mưa xối nghe lạch chạch trên mặt lá, rồi mưa theo đuôi lá chảy
xuống mái tôn làm thành những thanh âm buồn rũ rượi. Ở cái cồn đất chơ vơ của
Xóm Chà này, nhà dựng san sát mé kênh, mỗi lần mưa tầm tã như vậy sẽ tưởng như
nhà đã trôi hẳn ra sông. Con người ta buồn nhất là khi nằm trong nhà mà nghe
tiếng thở dài của con nước mông mênh.
Đại gối tay lên đầu,
nằm xoay nghiêng, trở mình qua lại, vỗ hoài mà giấc ngủ chưa tới. Không biết có
phải vì đêm nay gió nhiều quá, từng cơn đuổi nhau trôi trượt trên mái nhà, lùa qua cửa se trên da thịt nên khó ngủ quá chừng. Hay vì cassette nhà bên của chú Sáu cứ rì rầm:” Buồn
vào hồn không tên / Thức giấc nửa đêm nhớ chuyện xưa vào đời…” giọng ca sĩ
dường như hát mộc, tiếng ca rưng rức như nước mắt, nhỏ từng giọt vào lòng. Đại
không hay nghe loại nhạc này, vì trên xe bus nếu không là mấy bài nhạc trẻ ca
từ cạn nghĩa, ủy mị, ca sĩ gào thét chói tai thì tài xế cũng mở đài, MC không
ngừng rêu rao từ truyện cười cho đến tin tức giao thông trên từng cây số đường.
Họ phải mở thật to để tránh buồn ngủ nhưng chẳng nghe bao giờ. Còn Đại thì loay
hoay bán vé, xếp chỗ cho hành khách đã hết hơi, anh chẳng bao giờ chú ý đến những gì phát trên đài. Dù không khí luôn tấp nập ồn ã nhưng trong lòng xe vẫn có những khoảng
trống rời rạc như thế, mỗi người giữ riêng cho mình một nỗi niềm.
-Mày còn thức không
Đại?
Cánh cửa gỗ run bần
bật theo tiếng gõ, Đại trở mình dậy ra mở cửa.
-Ủa chú Sáu, chú thức
trễ vậy? Lúc nãy con nghe chú mở nhạc…
-Mày uống với tao vài
ly nghen, đêm nay tao có chuyện buồn.
Ngần ngừ mấy giây, Đại
gật đầu, dù sao Đại cũng không ngủ được. Hình như trời mưa thì tâm sự trong
lòng người ta cũng như nước, cứ rỉ rả chảy ra từ cõi thâm sâu.
Đại không hay nhậu,
chỉ lâu lâu làm vài ly để gọi là, mà thường là ngồi với chú Sáu. Ông lớn tuổi
nhưng không hay dạy đời mà chỉ tâm tình, thủ thỉ với Đại như cha con. Cũng chỉ
ông mới thấu đằng sau vẻ lạnh lùng, phớt đời của Đại là một tâm hồn nhạy cảm
chất chứa nhiều tâm sự. Cánh tiếp viên trẻ thì không thân Đại lắm, vì anh ít
nói, ít cười, không hay hùa theo, ngồi nhậu mà không chén chú chén anh thì cuộc
nhậu có gì thú vị nữa. Chú Sáu làm tài xế xe buýt đã hơn
hai mươi năm. Mỗi ngày khi trời còn tờ mờ, ông hay qua nhà Đại gọi dậy dù anh
đi chuyến trễ hơn ông một tiếng, thường để lại cho anh ổ bánh mì nóng mua ở lò
bánh đầu xóm rồi mới đi.
Chú Sáu qua nhà Đại
ngồi, ông rót rượu ra ly, bảo “uống đi” mà mắt đăm đăm về xa. Đại nhìn thấy
những gợn đỏ ngầu trong đôi mắt đã chớm già nua của một người vừa đi hết nửa
thế kỉ, dù ông chưa uống ly nào.
- Hôm qua về quê,
tao với bả mới cãi nhau, cãi lớn lắm, kì này chắc không mong hàn gắn được nữa.
Bả phản bội tao. Tao chỉ nói rằng bao nhiêu năm nay tôi chỉ thương mình bà,
tiền có nhiều ít cũng đem về cho gia đình, sao vợ chồng nghĩa nặng mà dứt tình
như xé áo nhanh chóng vậy? Bả khóc ròng, nói chán, có chồng cũng như không,
chồng đi biền biệt, một tay bả gánh vác hết con cái, nhà cửa, bả mệt rồi, đừng
nghĩ cứ gửi tiền là xong,có tiền mà vợ chồng lạt thếch thì vô nghĩa thôi…
Chú Sáu nói một hơi
rồi nghẹn lại, ông uống cạn chén rượu, nhếch mép cười không tròn vành.
-Đời tài xế mà chú, ăn
ngủ với xe, làm ra tiền cũng không có thời gian xài tiền. Áp lực của nghề chỉ mình hiểu, chứ
người ta mấy ai thông cảm…
- Vợ chồng mà không
hiểu nhau thì còn hiểu ai?
- Hay chú rước thím
với mấy đứa nhỏ lên Sài Gòn ở, người ta nói xa mặt cách lòng mà, mình ở xa nói
người ta cũng không tin.
-Không, tao muốn
làm mấy năm nữa rồi về quê, Sài Gòn phức tạp và bạc bẽo, mấy đứa nhỏ mà lên đây
thì hư hết. Tao cũng ngán cái nghề cầm lái, ngồi mấy chục năm giờ tao thấy
xương cốt rệu rạo hết, đổ bệnh tùm lum nên kêu bả ráng chờ, tiền làm được dành
dụm cất căn nhà khang trang dưới quê sống cho khỏe, mà lòng người khó đoán…
Đại ngước lên nhìn chú
Sáu, chợt thấy lòng chùng xuống. Anh không biết phải nói gì với chú, thấy
tương lai của mình dường như đang trải ra trước mắt. Hai chú cháu thoáng nhìn
nhau, rồi lại nhìn xuống đáy cốc, rượu vơi mà tâm sự cứ đầy lên khắc
khoải.
-Chú uống ít thôi, mai
còn lái xe sớm mà. Con nghĩ thím Hai cũng không phải là người cạn nghĩa đâu,
chẳng qua giận quá nói vậy chứ thím thương chú lắm mà. Không thương mà chịu
sống với chú mấy chục năm trời sao? Hay lựa thứ bảy chủ nhật ít đi ca,
chú rước mấy đứa nhỏ lên đây đưa tụi nó đi chơi một chuyến cho khuây khỏa.
-Ừ, thứ bảy này tao được ra bảng, chắc sẽ về quê đưa tụi nhỏ đi chơi cho đỡ nhớ ba, rồi cố gắng lựa lời nói với bả coi sao.
-Mọi chuyện rồi
cũng ổn mà chú.
Chú Sáu rót thêm rượu
vào ly của Đại. Nhưng anh không uống nữa. Dưới ánh đèn vàng vọt, hai cái bóng cô độc in trên tường loang như hai
vũng nước nhòe nhoẹt.
-“ Người yêu ta rồi cũng xa ta nên chung thân
ta giận cuộc đời…”. Chú Sáu cất giọng nhừa nhựa, từng cơ mặt ông chảy ra,
não nề. Khi buồn quá, người ta hay hát, nhưng càng hát thì tim càng sầu…
- Chú hát bài gì
buồn quá!
-Mày đã yêu ai chưa
Đại?
- 6 năm trời con
chỉ biết có cái xe bus từ sáng mở mắt dậy tới khi tối mịt, quen ai được hả
chú? Con chỉ sợ, người ta yêu mình rồi sẽ khổ.
Một chút ngập ngừng,
Đại tiếp lời:
- Con đã trả hết số
nợ mà má dằn vặt từ lâu, với đồng lương hiện tại, con cũng có thể lo cho thằng
Bình học hành đầy đủ... nhưng má giờ đâu còn để mà vui những ngày thảnh thơi
sau này nữa. Chú...đôi lúc con thấy đời sao mà vô nghĩa, thấy tay mình vẫn cứ trắng
hoài, không hẳn là thiếu tiền mới thấy mình nghèo đâu chú à…
-Có những món nợ mình
phải trả suốt đời mày ạ. Đã làm nghề này phải chấp nhận đánh đổi nhiều thứ, lấy vắng làm đông, nuôi cô đơn trên từng cây số đường.
-Con cũng chẳng oán
trách gì đâu, nghề nào cũng có cái vui buồn riêng của nó, con học hành không tới nơi có được việc vầy là may lắm rồi. Chỉ hy
vọng thằng Bình sau này thôi.
- Cũng tại chú dắt mày
vô cái nghề cay đắng này. Mà lỡ rồi thì phải theo chứ sao. Nhưng Đại à, lâu lâu
cũng về quê thăm nhà đi con, còn bảo ban em mày, con trai mới lớn dễ bị bạn bè
nó lôi kéo. Mày cứ để mặc vậy, ba mày nát rượu, sợ nó học theo thì má mày dưới
suối chắc buồn lắm.
Nghe nhắc đến “má” Đại
thấy tim cồn lên nhức nhối, một nỗi xót xa ân hận trào lên trong lòng khiến anh
muốn khóc. Đại lên Sài Gòn được 3 năm thì má mất vì bị tai nạn lúc đón xe lên
thăm anh. Từ đó, Đại chỉ về quê mỗi năm một lần vào giỗ má, chỗ trống má để lại trong lòng Đại mãi mãi không thể lấp đầy. Vì thiếu vắng những cái vuốt đầu trìu mến của má,
hỏi :” Mệt lắm không con?”. Thiếu vắng tấm lưng gầy guộc của má lui cui dưới bếp để nấu cho Đại
bữa cơm thật ngon mỗi khi anh về nhà, và thắt lòng khi thấy Đại ốm đi, người
gầy rộc, mặt mũi hốc hác, má la:” Cái thằng, lại cơm hộp với bánh mì phải
không? Hai mươi mấy tuổi rồi mà không biết lo thân”. Những lúc đó, Đại hay
cười, ôm vai má, bảo con đi cả ngày có thời gian đâu mà nấu, thôi để mai mốt có
vợ rồi nấu luôn. Má cũng cười, mắt ánh lên hy vọng, má cứ chờ mãi, chờ mãi ngày
con trai mình không còn lẻ bóng nữa, nhưng đời ai biết được chữ ngờ…
Chú Sáu thấy Đại trầm
ngâm hồi lâu, ông vỗ vai Đại:
-Thôi, chú nhắc chuyện
cũ làm con buồn. Quên đi, đời còn nhiều niềm vui, thanh niên không nên để mình
dầm chân trong nỗi buồn. Đã làm gì thì phải hết mình, nghe không Đại? Mai
cắt tài lúc mấy giờ?
-5 rưỡi chú.
-Ừ, chú thì 4 rưỡi
phải có mặt để chạy chuyến 5 giờ. Thôi mày ngủ đi, đời cái gì đến nó đến, tình
yêu thì không ép uổng được đâu. Nhưng Đại à, có quen ai thì nhớ chọn người biết
cảm thông với mình, nhất là mình theo cái nghiệp chơi với xe này. Chú chỉ
khuyên mày vậy, còn một năm nữa là thằng Bình lên đại học rồi, rước nó lên đây
sống chung hai anh em cho vui. Chú về nghen Đại.
Đại đứng lên tiễn chú
Sáu ra cửa, không quên đưa cho ông cây dù. Ngoài kia, con kênh đã dâng nước gần
sát bục cửa. Mưa chỉ còn thưa thớt giọt, tiếng ếch nhái gọi bạn tình trong bụi rậm vẳng lại lao xao...
Đặt lưng xuống nằm
rồi, Đại vẫn lênh đênh trong những giấc chập chờn. Mọi hôm giờ này Đại đã ngủ
từ lâu, vì mệt mỏi và phải dậy rất sớm để chuẩn bị cho ngày hôm sau.
Tự dưng đêm nay mưa
gió về, nhặt lại cuộc đời mình lâu nay đã bỏ trôi, đã không đoái
hoài, Đại nghe tim mình nhói ran những nỗi niềm…
Đại quên mất rằng mình cũng
hay buồn. Buồn những khi xe về bến, giờ giãn ca, Đại hay ngồi ngay cửa xe ôm
hộp cơm ăn một mình, ăn vội ăn vàng, nuốt vào miếng cơm nóng mà thấy lòng lạnh
ngắt. Chen chúc giữa hàng trăm hành khách thu xé vé, một
ngày có khi chỉ uống hai ly nước, cổ họng rát khô, chân tê cứng, lưng mỏi nhừ,
ngồi trên chuyến cuối xuôi về bến, Đại hay tự hỏi không biết bến của mình ở
đâu? Giờ mình đi về đâu? Tất nhiên là về nhà, nhưng trong không gian chật hẹp hiu hắt ánh đèn đó, Đại rồi cũng sẽ một mình.
Có ai chờ Đại sau
những chuyến xe?
oOo
Sáng hôm sau, Đại thức
dậy hơi trễ. Đêm mưa lạnh và ẩm ướt, Đại thấy người hoang hoải,
đầu hơi quay cuồng. Nhưng Đại không có thời gian nghĩ điều đó lâu, anh ủi vội
chiếc áo sơ mi xanh, cài nút quần jean và dắt xe đi làm. Trước khi đi, ghé mắt
nhìn qua nhà chú Sáu, Đại thấy cửa phòng ông khóa kín, có lẽ ông nghĩ đêm qua
Đại thức khuya quá nên không gọi dậy sớm.
Một ngày như mọi ngày
của Đại lại bắt đầu…
Đôi lúc đi trên xe,
không hiểu sao Đại hay để mắt tìm cô gái cài băng đô tím hôm nào, chỉ để nghe
lại câu hỏi mềm như lụa:” Chắc anh mệt lắm?”. Hệt như tiếng má. Chỉ còn
thiếu một cái xoa đầu. Nhưng Đại chờ hoài, tìm hoài, cô gái ấy chưa xuất hiện
lại lần nào. Đại không thắc mắc, vì anh biết xe bus cũng như một chỗ trọ hẹp,
người ta chỉ đi nhờ một đoạn rồi xuống thôi. Mong gì gặp lại nhau giữa dòng đời
tấp nập. Cuộc đời vốn dĩ là vô thường.
Vậy mà con người ta lại
hay buồn vì những lẽ vô thường đó…
Men Kim Nguyễn Kiều Oanh
2/12/2012
Nhận xét