Tha thẩn cỏ...
Cỏ xót xa đưa...
Tùy bút
Bài đăng trang web Khoa Văn học và Nghệ thuật( tháng 11-2012)
Mấy ngày xa nhà, sáng nay dậy mở cổng và xao xác dưới
chân mình là những bông giấy mỏng manh đong đưa theo dòng nước mưa dạt vào thềm
nhà. Ngoài ra, dưới chân còn có cỏ, cỏ loang vỉa hè, dịu dàng hiu hắt trước cơn
gió se lạnh.
Hôm ngồi một mình
ở quảng trường nhà thờ, mình ngạc nhiên vì hương cỏ sau mưa
ngai ngái, cỏ rạp đầu dưới gió, chân đụng phải cọng
gì thô ráp, chưa kịp hết ngẩn ngơ thì cỏ giương mặt,
như nhắc nhở:” Tháng bảy mùa mưa rồi nghe cô, cũng đến thời
kì tụi tui sinh sôi chứ”. Nhưng sau lời nhắc nhở đó, điều đầu
tiên mình nghĩ đến là: “Sao kì này họ dọn cỏ trễ quá” !? Hình như chẳng bao giờ
mình yêu thương cỏ.
Và hôm nay,
nhìn cỏ lơn xơn nơi thềm nhà gần gụi, thấy buồn, bởi từ trước
tới giờ, cỏ luôn ở bên mình, nhưng chưa bao giờ mình
để ý, chưa bao giờ mình vun xới cho vẻ thăm thẳm đó. Bởi
cỏ tự sinh tự diệt. Sau một cơn mưa, cỏ âm thầm vượt đất,
âm thầm yêu thương nơi mình neo đời, và rồi cũng âm thầm mất đi một
ngày không ai biết, có thể một nhát chổi quét qua, một lằn xe cán
ngang, một lưỡi kéo cắt ngọt cũng khiến cỏ mất mát. Nhưng cũng không có gì
mạnh mẽ bằng cỏ. Người ta vẫn nói, diệt cỏ phải diệt tận gốc. Nhưng có mấy ai
tiêu diệt được tận gốc sự can trường của cỏ đâu. Cắt đi, cỏ lại mọc, chen chân
cùng lau sậy, cũng đong đưa theo gió, cũng lan tới tận những chân trời mù xa,
đâu đâu nếu không có dấu chân người sinh sống, cỏ vẫn hồn nhiên neo đời. Chợt
nghĩ, phải chăng cỏ sống hồn nhiên như thế, vì cỏ không thù oán, không tranh
đua, không cố sự như con người, như những sinh vật có hơi thở khác? Bặm môi hay
vô tình mà cắt, cỏ vẫn cứ giương mình, rẽ gió rẽ mưa mà lớn lên không chỗ này
thì chỗ khác, không cao thì thấp, vô vàn những sợi cỏ. Không có mưa, cỏ co mình
lại, nhuộm vàng những lá nhọn, lặng lẽ, chung thủy chờ đợi. Mưa về, cọng cỏ hồi
sinh, màu xanh tươi mát kia tràn trề nhựa sống, như chưa bao giờ giận dỗi, như
chưa bao giờ oán trách vì sao cuộc sống mình nhận nhiều sự hắt hủi, cay nghiệt,
sao mình không bằng chị, bằng em.
Con người
thì không được như thế. Có mấy ai tha thứ được đến lần thứ hai,
chứ đừng nói rằng vô vàn lần như cỏ từng bị cắt đi.
Đôi lần mình nghĩ,
người sống quá hồn nhiên có lẽ vì trái tim họ nhỏ thôi, không chứa tình nhiều
nên ít bị lấy đi. Cũng như cỏ, chẳng yêu thương ai, chẳng thù hằn ai, chẳng để
tâm gì ai. Hay cỏ không có tình? Mấy lần đứng trên triền núi day diết gió, chân
dính dấp nội cỏ đẫm sương, mình tin rằng mình sẽ nhớ lắm nơi này, gốc cây
này, triền cỏ này, khung cảnh này, không bao giờ buông nhớ ra, không bao giờ quên
được. Và mình tin cảnh cũng sẽ vị tình nỗi nhớ đó, mà không thay đổi.
Nhưng không phải thế, vừa chớm đi quay lại thì hoa đã rơi rụng, cỏ bị
chà đạp dưới chân và cảnh cũ người xưa không còn nữa. Cỏ chẳng quan tâm,
không yêu thương mình nữa thì mình đi, thì mình biến mất, nhưng con người, cái
nắm tay tình nghĩa, cái chạm khẽ của vầng trán cũng khiến tim mềm rượi, cũng
quay quắt nhớ hoài không thôi. Thế là quay sang trách cỏ vô tình, ống quần trói
sương khuya hôm nào, tình xưa hôm nào phôi pha mất. Cỏ dưới chân xót xa
đưa…
Cũng có đôi
lần ao ước mình quen được người giống cỏ, lạc quan yêu thương, khi ra đi không
hờn trách, không để tâm. Nhưng càng sống, càng bám đời chặt hơn
thì càng sợ, sợ ao ước đó thành sự thật, chắc mình đau gấp mười
lần vui. Bởi trái tim người mà như tim cỏ, sợ một ngày
nó tàn úa mất, chẳng có chỗ cho mình, chẳng
có chỗ cho da diết chen vào, cho kỉ niệm lên ngôi, bởi buông
tay thì tim họ đặt ở một nơi khác, đâu cũng giống đâu.
Như cỏ, có vạn, nhưng người chỉ có một mà thôi.
Thế nên lại
trở về trần thế, trần thế thì cố sự hơn cỏ,
vì yêu mà nhớ và cũng vì yêu mà hận, người với
người đối đãi với nhau vẫn luôn là dấu chấm lửng vô thường. Nhưng
như thế, có lẽ tim mình sẽ an nhiên hơn với hai chữ ”con
người”, sẽ dễ tha thứ hơn cũng vì là con người.
Thì thôi
cỏ ơi, người không sống được như cỏ, nên nếu một ngày nào đó
cỏ mất đi mãi mãi, cỏ nhạt nhòa hết những hoài niệm thâm u, đặt
lưng nằm xuống chỉ thấy thô ráp xi măng, nhầy nhụa sình lầy,
thì xin cỏ gửi lại cho gió tiếng hát gọi bầy dế rưng
rức đêm hè, gọi một ngày mưa xuống và nhớ đong đầy, gọi về
sự tĩnh tại an nhiên như cây cỏ bên đường.
Cho lòng người
còn đó chút bình yên...
Nhận xét