Cuộc đời là những dòng sông...

Hôm nay tôi có dịp xem một clip trên Youtube về số phận của những người con lai sau chiến tranh Mỹ - Việt Nam. Một phóng sự đặc biệt. 

Đã rất lâu rồi, tôi mới có đủ kiên nhẫn khi xem một phóng sự dài như vậy, hơn 1 tiếng đồng hồ. Và cũng đã rất lâu rồi, tôi mới cảm thấy xúc động khi xem một cái gì đó trên mạng xã hội. 

Xa xứ luôn là một cụm từ mang lại cảm giác nhói ở trong tim, dù vì bất kì lý do nào. Ngày còn đi học, tôi rất thích và cũng rất giỏi khi viết và cảm nhận về những tác phẩm trong và sau chiến tranh. Có lẽ ở khía cạnh nào đó, tâm hồn tôi thuộc về một miền u uẩn nào đó nơi quá khứ của quê hương mình. Chiến tranh Pháp - Việt, Mỹ - Việt và xung đột biên giới 1979..., hàng trăm cuộc chiến cày xới lên quê hương mình, để lại sự đói nghèo, lạc hậu, những nỗi đau dang dở. 

Nhưng người ta lại luôn luôn lầm tưởng, rằng chỉ có ở trong đói nghèo mới có tệ nạn, mới có những nỗi đau, niềm thương tiếc, sự tàn ác giữa người với người, còn khi sang đến thiên đường phương tây, những điều từng khiến người ta đau khổ sẽ biến mất. Người ta lầm tưởng rằng vật chất sẽ có thể giải quyết tất cả, hoặc họ mù quáng tin rằng sẽ giải quyết tất cả, và lãng quên đi những nỗi niềm của người trong cuộc. 

Đa phần những người con lai có cha là lính Mỹ, đều có những số phận và tâm hồn bị xé rách tan hoang. Có người tìm niềm an ủi nơi gia đình nhỏ êm ấm, trong hành trình đi tìm lại mẹ mình, hàng đêm thao thức trên các trang web xét nghiệm ADN để tìm chút hy vọng. Có người tìm được mẹ, nhưng bà đã tự tử 30 năm trước. Có người khi sang đến đất Mỹ, không trình độ, không vốn liếng, người thân, họ trở thành người nhặt rác, quét đường, tuy nghèo, nhưng lại tình cảm. Sống ở đất nước hiện đại, dù chỉ lang bạt ngoài đường nhưng vẫn hỗ trợ nhau, sợ bạn mình nhỏ con bị bắt nạt, bị chơi xấu, và cứ thế cùng nhau đi qua những mùa đông đằng đẳng nơi xứ người. Có một số phận lại khiến tôi rưng rưng, ở miền quê Long An xa xôi, có anh nông dân cũng con lai Phi Châu, anh chỉ là người bốc vác bình thường, ai sai gì cũng làm, ai nhờ gì cũng giúp. Nhưng anh nhất quyết không theo chương trình nhân đạo đưa con lai sang Mỹ vì mộ của mẹ anh còn nằm đó. Anh không theo dòng chảy thực tế trong suy nghĩ bình thường, là phải phấn đấu, phải đi nước ngoài để đổi đời, mà chọn ở lại quê nhà chăm sóc hương khói cho mẹ mình, tron đời ở quê vui vầy với chòm xóm. Tuy xác xơ, tuy khổ cực, nhưng nơi đó, anh cảm nhận tâm hồn mình đậu lại. 

Tôi biết, chiến tranh đã lùi xa rất lâu, có lẽ với những suy nghĩ thực dụng của thời kinh tế thị trường, nghèo là một cái tội, và giàu là sự cứu cánh. Có tiền có nghĩa là bạn có ý chí, còn nếu đứng yên một chỗ mãi, bạn trở thành kẻ bất tài, vô dụng, kém cỏi, bị khinh rẻ. Thế nên khi xem những clip thế này, sẽ có rất nhiều người bĩu môi, vì nó quá đời, quá nhiều cảm xúc, nó đánh mạnh vào sự ngộ nhận rằng được đi nước ngoài là niềm sung sướng, ở đó mà than vãn, hoặc ngược lại, những người ở nước ngoài luôn nhìn về quê hương với cái nhìn ghẻ lạnh và tiêu cực. Tôi nghĩ, sướng hay khổ khó mà cân đo đong đếm hết trong cuộc đời này, nó tùy thuộc vào cảm nhận, vào những ngã rẽ của số phận. 

Tôi còn nhớ người yêu tôi nói muốn nhìn theo máy bay cất cánh, cho đến khi nó mất hút vào bầu trời, vì chắc gì chúng tôi còn gặp lại. Chúng tôi từng đi ở qua vài miền quê khác nhau, cũng bị cuốn vào cuộc sống và đôi lúc sinh ra sự ích kỉ, hiểu lầm, phán xét và khó chịu với nhau và với xung quanh. Thế nên càng sống, càng đi xa,  tôi không có nhiều sự tự tin, hứng khởi như nhiều người đã từng. Tự nhiên tôi cảm nhận tâm hồn mình cũng dạt trôi, nơi không còn hồn Việt, không còn tiếng Việt(thứ tiếng mà tôi đã từng tự hào là mình sử dụng tốt). Tôi ngập ngừng tự hỏi liệu mình có hành xử đúng, liệu mình thuộc về đâu, cảm giác của mình lúc này ra sao, có nên chìm đắm quá lâu trong thế giới của riêng mình khi mà thế giới quá vội vã và vô tình?

Những ngày tháng trôi bềnh bồng trong mùa đông xứ người, tôi được đắm chìm vào dòng suối tâm tư của nhiều số phận. Mỗi số phận đều có một nỗi đau, niềm vui cũng như nỗi buồn, đều biểu hiện bằng giọt nước mắt. Cuộc đời không có gì hoàn hảo, tôi biết sẽ không có giọt nước mắt nào đủ khiến nước Mỹ, dân Mỹ đồng cảm được tâm can của người Việt, dân Việt và ngược lại. Nhưng nếu ví chuyện đau buồn là một dòng sông, thì chẳng phải chúng ta đều giống nhau sao? Với những người chưa trải nghiệm chiến tranh, như tôi, ta có thể ngồi bên bờ sông, đón những ngọn gió vừa khốc liệt vừa mát lành. Và rốt cuộc, không những từ chiến tranh mà còn từ những vấn đề khác trong cuộc sống, tất cả chúng ta đều là những dòng sông, cùng hòa vào biển lớn mênh mông...

Nhận xét

Bài đăng phổ biến