Thiếu bến




Con người bây giờ thiếu những phương tiện để neo mình đừng trôi quá nhanh.

Lúc này, mình thèm cảm giác đi trên chuyến phà đêm Vàm Cống hôm nào đến cháy lòng, để thong dong nếm vị hoang hoải của sông, để đếm thời gian chảy qua tay...

Mai này thành phố sẽ có cầu qua sông Nhà Bè thay cho phà Bình Khánh, rồi một ngày người ta sẽ thay hết những bến phà Vàm Cống, Cần Giuộc, Cần Thơ,… bằng những cây cầu khang trang hơn, tiết kiệm sức lao động cho con người hơn, như đã từng thay bến phà Rạch Miễu cách đây không lâu. Người ta băng qua sông sẽ không kịp ngắm một vạt nắng chiều buông xuống mặt nước, không có dịp đốt điếu thuốc nhìn lục bình nhẩn nha trôi lại ôm mạn thuyền, không kịp trao nhau một lời thăm hỏi. Người ta, trôi nhanh hơn cả con nước, vì không còn "bến" nào giữ chân. Những con phà, con đò cùng bao phận người nhỏ bé mưu sinh nhờ nó lùi vào dĩ vãng.

Mình bỗng tiếc ngẩn ngơ câu hát ngọt ngào: "Bậu sang phà Rạch Miễu, thăm trường cũ Nam Phương / Lư lắc lư xe thổ mộ... Chèn ơi quá dễ thương! " nghe mà muốn khóc, vì xa xôi, khi mình còn chưa có dịp về Bến Tre.

Sài Gòn nay cũng đã mất đi nhiều tên chợ, tên hẻm, cây cầu ngày xưa... Đằng sau hai chữ “mất mát” vốn đã đầy ứ niềm xót xa đó, còn có gì trĩu nặng hơn rất nhiều.

http://www.youtube.com/watch?v=KOUnQk6OXYA

Xem clip này, mình thích quá chừng đi, có cảm giác như đang đọc những truyện ngắn của cụ Hồ Biểu Chánh :D

Nhận xét

Men Kim đã nói…
Comment này của một người em bên facebook, mình thích quá nên đem về đây :)

Bến Tre quê em !
Có chăng, họ cũng sợ sẽ "trôi" theo nhịp đời hối hả khi không còn "bến" nữa nên có những chiếu nghỉ giữa cầu để đôi lúc ta dừng lại, tĩnh tại nhìn sông nước để suy nghĩ, để nhận ra điều gì đó mà từ lâu họ đã quên đi giữa dòng sông vẫn chảy dưới chân cầu.

Thật vậy chị à, lúc mới xây cầu, em lại quẹo vào đường ra phà như một điều ăn sâu vào tiềm thức từ khi em còn rất nhỏ. Những hàng quán bán kẹo dừa, bánh mứt mang đậm phong vị miền Tây làm rôm rả cả đoạn đường ngày nào đã không còn nữa, nhường chỗ cho cô đơn và hiu quạnh như những vùng ven Thạnh Phú, Thạnh Hải. Thấy thương cho họ khi lại mất đi việc buôn bán mấy chục năm nay, nghề nuôi sống bao nhiêu miệng ăn trong nhà, để rồi phải chật vật, tính toán tìm kế sinh nhai khác khi người qua lại chỉ là dân trong vùng, hoặc đôi khi là những vị khách lỡ bước tìm đến bến phà ngày nào để rồi vỡ lẽ :Có cầu Rạch Miễu trên kia rồi nên phà ngưng hoạt động! (một cô vẫn còn bày sạp hàng lúc đó nói với nhà em khi thấy cả nhà đứng lại ngơ ngác). Câu nói rất chân tình của người miền Tây vốn để chỉ đường cho những người lỡ bước nhưng lại đong đầy những lo toan.

Bài đăng phổ biến